Những ngày qua, ace doanh nhân chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng vượt qua mùa dịch này. Nhiều người bên ngoài cho rằng trong Nguy có Cơ, nhưng mỗi công ty, mỗi ngành hàng, mỗi dịch vụ lại có những cái bất cập riêng, ảnh hưởng bởi dịch ở những góc độ khác nhau. Vậy Cơ nào cho mình được đây?
Thương trường là chiến trường – nên vị Giám đốc ở một công ty cũng như một vị Tư lệnh trong quân đội vậy. Ngoài binh hùng, tướng mạnh, ngoài chiến lược thao trường, ngoài tinh thần chiến đấu thì cũng cần có một cái gọi là Thiên thời. Trong cuộc chiến của Doanh nghiệp năm nay Thiên thời đó chính là dịch bệnh.
Những công ty sản xuất: ảnh hưởng bởi nguyên liệu và công nhân làm việc. Những công ty thi công ảnh hưởng bởi vật tư đội giá và nhân lực khan hiếm. Những công ty phục vụ tại chỗ thì khách hàng không có mặt. Những công ty đại lý lớn bị giảm sức mua từ đại lý, đại lý giảm sức mua từ khách hàng trực tiếp. Duy chỉ có ngành chăm sóc sức khỏe và nhu yếu phẩm ổn định và tăng lên tuy nhiên cũng bị hạn chế bởi không có sự lựa chọn của nhiều nguồn hàng….Sơ sơ như vậy để thấy không có ai giống ai. Mỗi doanh nghiệp khó khăn một kiểu.
Đâu tiên, Doanh nghiệp nào doanh thu còn ở mức 60-70% coi như còn cầm hơi được. Lúc này mới tập trung vào rà soát cắt giảm những chi phí thừa. Nhưng Giám đốc lại phải dám ra quyết định là bắt buộc phải bỏ ra những chi phí đầu tư khác mà không đẻ ra tiền ngay và cũng không biết là doanh nghiệp của mình sang tháng tới hay vài tháng tới có thể đi tiếp hay trụ được với thị trường không. Đó là các chi phí: đầu tư xây dựng quy trình làm việc smart và nâng cấp lên phần mềm quản trị online, đầu tư xây dựng bộ nhận diện hay catalog sản phẩm mới, đầu tư hệ thống mkt online… Những công việc này không nhanh đòi hỏi từ 3-6 tháng tùy mô hình. Tuy nhiên, người làm lãnh đạo có tự tin kéo dài Doanh nghiệp của mình trong thời gian đó thì cân đối tài chính để đầu tư.
Doanh nghiệp nào chỉ còn 40-50% doanh thu, thì việc để nuôi sống công ty trong 3-6 là khó khăn. Vì hiện tại đã phải bù các khoản chi cho hiện tại, thì việc tốt nhất là cho nằm im các khoản tiền mặt. Tiền mặt vẫn luôn là vua là như thế. Giờ là thời gian rèn luyện binh tướng. Chi phí để thuê một tư vấn doanh nghiệp cũng không phải rẻ. Giám đốc lúc này không phải là nhà cầm quân mà bắt buộc phải trở nhà đào tạo. Giám đốc đào tạo trưởng phòng, trưởng phòng đạo tạo nhân viên, chia ra các nhóm nhỏ để tránh dịch. Tổ chức rà soát lại quy trình và mở các chương trình góp ý, lắng nghe toàn dân. Không ai là người hiểu công ty bạn hơn chính nhân viên của bạn.
Còn nếu bạn rơi vào là những doanh nghiệp tụt giảm tới 80% doanh thu trở lên, tức là chỉ còn dưới 20% doanh thu thì lúc này thu không bù chi phí cố định. Và lúc này bài toán đặt ra là phải off công ty như chuỗi khách sạn nọ hay các dây chuyền nhà máy phải đóng cửa vì tiền điện hay vật tư tiêu hao còn lớn hơn đơn hàng có. Dù có muốn làm gì đi nữa, nhưng tiền mặt đã hết, doanh thu không có, điều đó như rơi vào ngõ cụt vậy. Nếu dây chuyền sản xuất, đội ngũ nhân công của bạn vẫn có thể tạo ra các sản phẩm thì bạn có thể nhận gia công hay chuyển hướng sản phẩm mà thị trường đang cần. Nhưng ai cũng hiểu, cơ hội đó cũng nhỏ nhoi và mong manh như thế nào trong thời kì dịch bệnh này. Nó như việc đội quân của bạn bị kẹt lại trong vùng địch mà không thể có lối thoát. Nên việc duy nhất bạn có thể làm là Tĩnh tâm. Mọi thứ đến rồi đi, được hay mất cũng chỉ áng mây trôi qua trời xanh. Việc giờ là bạn động viên mình và mọi người cùng giữ sức khỏe, tránh bị nhiễm bệnh. Còn người là còn cơ hội. Nếu có thể hãy tham gia một số khóa Thiền online và nghe giảng về sự Vô thường tại đây https://bom.to/SL5lHi
Tôi cũng chỉ có thể chia sẻ với các bạn như vậy. Tôi may mắn ở trong nhóm doanh nghiệp có thể cầm hơi, nên tôi vẫn có thể ngồi viết ra những điều này.
Chúc ace bạn bè doanh nhân của tôi kiên trì, vững mạnh.