😍😍
Có một vị thiền sư chia sẻ: khi hành thiền, các thông tin cảm giác đi qua cửa các giác quan cũng giống như các vị khách đi qua cửa trong một bữa tiệc. Khách mời đến liên tục, liên tục. Chúng ta là chủ nhà. Nếu ta dừng lại tiếp một vị khách nào đó, trò chuyện ôn lại chuyện quá khứ, tương lai thì chúng ta đã bỏ lỡ các vị khách khác. Việc của chúng ta chỉ là liên tục chào các vị khách quý đó bằng sự ghi nhận trực tiếp giác quan hay trực giác, mà vắng mặt đi sự đối chiếu, so sánh, diễn giải, trò chuyện về quá khứ hay tương lai.
Khi hành thiền, với trí nhớ về sự vô thường, vô ngã của các thông tin cảm giác, trí nhớ về việc ghi nhận trực tiếp giác quan như vậy, dần dần chúng ta sẽ kinh nghiệm được một trạng thái thiền hay gọi là định, với các các trạng thái thiền tùy theo mức độ chú tâm, tìm cầu. Kinh nghiệm này không ai giống ai, trải nghiệm và thời gian diễn ra không giống nhau. Chúng đều được Phật chỉ ra và nằm một trong bốn trạng thái: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
Tuy nhiên, kinh nghiệm thiền của nhiều người thực hành thiền hiện nay lại đang không đến từ việc nhận biết trực tiếp giác quan. Chính kinh nghiệm này dẫn tới nhiều điều mà chúng ta gọi là ảo tưởng, hoang tưởng hay tầng năng lượng trung gian. Nhiều người cho đó là quả, đắc quả, đạt thành tựu. Còn thực trong chánh pháp, thì đó chính là đường vòng, rẽ nhánh hay thậm chí là tà pháp. Sự nguy hiểm của nó khiến thiền sinh lạc lối, dễ bị kẹt lại đó hoặc tham đắm trạng thái trải nghiệm, để rồi tiếp tục hành trì thiền theo cách đó và rơi vào một thứ ảo giác.
Cá nhân tôi đã trải qua, và hẳn nhiều người đã trải qua thì đều cho rằng, nó thật mà, rất thật. Nó có thể hiển hiện ngay trước mặt rõ như xem phim chiếu rạp. Nó có thể xúc chạm ngay thân thể hay nội thân thể khiến cho đau đớn hay vui sướng. Nó có thể là những thông tin khiến có thể được coi là thiên cơ, hay thông minh đột xuất hay một bài thơ, một bản nhạc, một công thức… Nó thật và tôi có thể tái hiện nó sau giờ hành thiền… Vì đơn giản bạn đang cho nó là thật, mà không chịu thừa nhận, nó chỉ là cảm giác pháp trần do tế bào thần kinh não (ý) tiếp xúc với pháp (thông tin lưu trữ trong não bộ) mà thôi.
Bạn vẫn còn khăng khăng, đó là tôi thấy quá khứ, tôi thấy tương lai, tôi thấy cảnh giới niết bàn (một nơi đẹp đẽ, an lạc, hay một vùng ánh sáng chan hòa, hay một khoảng không bao la,….), nhưng sự thực nó vẫn chỉ là cảm giác pháp trần do tế bào thần kinh não (ý) tiếp xúc pháp mà thôi. Có thể là bạn đã từng ở đó trong quá khứ, có thể là bạn sẽ tới đó trong tương lai, có thể đó là một nơi nào đó đang tồn tại ngoài trái đất, nhưng nó không phải là #đây, nơi này, ngay bây giờ – hiện tại.
Bạn cứ việc mê đắm với những gì bạn cho là thật vì nó là thật với bạn. Chỉ khi nào bạn tỉnh ra, hóa ra nó chỉ là cảm giác, nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu. Vì sao? Vì cảm giác đó chẳng thể lặp lại lần nữa trong các lần hành thiền khác, chúng cũng chẳng thể tồn tại lâu dài trong các thời thiền của bạn mà chỉ diễn ra trong tích tắc, trôi vèo qua và nó là một cảm giác nổi trội hay nó là một điều gì đó mà thầy hướng dẫn thiền của bạn bảo là có một thứ như thế và bạn tìm kiếm. Nếu nó là thật, bạn có thể tìm kiếm và thấy lại, bạn có thể chỉ cho người khác cách thực hành để thấy nó chứ không phải cách tưởng tượng thấy nó.
Nhưng đơn giản là, các thông tin đó, ngay tại đây, bây giờ – hiện tại này giúp ích gì cho bạn? Nó có giúp bạn vắng bặt sự đối chiếu, so sánh, tìm kiếm với những thông tin, kinh nghiệm cũ không? Hay nó làm dày thêm thông tin, kinh nghiệm mới của bạn: à ta đã làm được, ta đã thấy được cái này cái kia. Nó có giúp bạn trên con đường dẫn tới sự vô tác, nội liễm để trở về sự tròn vẹn, tịch tĩnh? Chúng sẽ chẳng có gì nguy hại, nếu bạn không cho đó là kinh nghiệm mới, nếu bạn không lấy đó làm đề mục cho lần thực hành thiền tới và nói với người khác hãy thấy như bạn. Chúng nguy hại, khi bạn cho rằng chúng có đó, chúng là của bạn, chúng có được do bạn đã đạt được tầng thiền nào đó. Chúng không giúp bạn chấm dứt sự vắng bặt khổ đau hay tự mãn, là những thứ níu giữ chân bạn để đạt được sự giải thoát về tâm thực sự.
Nếu với hiểu biết về thế giới là cảm giác, bạn kinh nghiệm được việc chỉ dừng lại ở ghi nhận các cảm giác nơi giác quan một cách liên tục mà không nảy sinh ra đối chiếu, so sánh, tìm kiếm với các thông tin, trải nghiệm cũ thì bạn hoàn toàn có thể kinh nghiệm được các trạng thái thiền mà Phật đã chỉ ra ngay tại đây, nơi này và ngay bây giờ. Nó thực tế, hiện tiền, cụ thể như vậy, nó có thể lặp đi lặp lại, và chỉ cho người khác cũng như kéo dài thời gian các trạng thái thiền nếu ý của bạn không biến thành ý thức tìm kiếm, đối chiếu, so sánh. Chỉ tiếc là nó chỉ giúp đưa bạn tới một trạng thái tâm an định, bình yên, có thể có hỷ, có lạc chứ không phải thấy một cái gì đó nhiệm màu, kì lại, khác biệt…
P/s: một số thiền sinh đã thực hành cách thiền tà định trước đây, thường khó chấp nhận cách thiền chánh định này. Vì nó không đưa tới các cảm giác kì lạ, hay ảo giác cho thiền sinh. Hoặc nếu người đó cố gắng loại bỏ cách thiền cũ để tiếp nhận cách thiền mới thì càng gây ức chế và mong muốn đạt cảm giác định như một trải nghiệm kì lạ của việc hành thiền trước đó của họ. Tuy nhiên, nó không phải là một trạng thái ta đi tìm, nó là một trạng thái ở đó vắng bặt suy nghĩ, tìm kiếm, đối chiếu, so sánh… Và việc của thiền sinh là ghi nhận cảm giác trực tiếp nơi các giác quan chứ không phải tìm kiếm một cảnh giới gì đó mơ hồ.