“Chính sách quản lý thợ và công việc”.
Đầu những năm 90, khi việc đi làm thuê cho một doanh nghiệp là một khái niệm chưa phổ biến thì việc khoán công việc lại là một khái niệm càng mới mẻ hơn. (cứ soi khoán 10, khoán 100 thì thấy :D). Bố tôi khoán thẳng công sản phẩm cho người thợ. Căn bản là cũng đã từng tự làm nên ví dụ một cái tủ hay một cái giường đóng hết bao nhiêu ngày công là bố tôi tính được. Nhân số đó với ngày công trung bình mà một người thợ được hưởng lúc đó là ra khoán công sản phẩm. Khoán công sản phẩm sẽ làm cho người thợ tận dụng được các thời gian nhàn rỗi, làm cả buổi tối và không lãng công để hoàn thiện nhanh nhất trong thời gian có thể. Tuy nhiên, người chủ phải đặt yêu cầu về kỹ thuật với thợ còn cao hơn cả khách hàng đặt với mình và lượng sản phẩm nhận về trong tháng đủ cho họ làm cả 31 ngày. 😀 Chính vì thế bố tôi sau 2 năm phải giám sát họ chặt chẽ vì có thể họ chưa quen với cách làm việc mới và kỹ thuật còn non tay, thì thời gian sau bố tôi hoàn toàn chủ động thời gian. Bố chỉ việc đi gặp khách hàng, đi lấy gỗ, làm việc với kiểm lâm và cơ quan quản lý thị trường. Toàn bộ sản phẩm đã có những người thợ lành nghề và trách nhiệm đảm nhận. Thợ của nhà chúng tôi 7h sáng đã thấy dạy, đến bữa ăn thì vào ăn, nghỉ một lúc rồi làm, có năm chiều 30 Tết mới về quê. Đồng tiền công họ mang về cũng không phải là nhỏ. Còn các xưởng bên cạnh, làm công nhật thì 8h mới thấy ngủ dậy, uể oải với công việc, nay xin về quê đám giỗ, mai xin về quê đám cưới, làm cùng lắm chỉ đến 23 Tết là nghỉ. Và đồng lương họ mang về cũng chẳng thấm vào đâu. Ngay cả chuyện ăn uống, thợ nhận khoán sản phẩm của chúng tôi thì chúng tôi nhận khoán bữa ăn của thợ. Thợ muốn ăn ngon thì tăng tiền ăn, và chúng tôi nấu bổ xung. Trong khi thợ nhà bên, làm công nhật và nuôi ăn nên bữa ăn thường nghèo nàn và không đủ chất. Đồng lương kiếm được dù thế nào nhưng nó công bằng giữa mỗi người thợ và hai bên chủ thợ thoải mái với nhau thì mọi thứ sẽ gắn bó được lâu dài.
“Chuyện nấu nướng của mẹ”. Vì nhận khoán bữa ăn thợ, nên tổng tiền cho một bữa ăn bao gồm cả gia đình tôi bao giờ cũng được fix ở một con số cụ thể nhưng bên cạnh đó mình vẫn phải có công nấu nướng ở trong đó. Tổng tiền là 100 đ, công nấu nướng là 20 đ, vậy 80 đ chi cho một bữa ăn như thế nào để bữa ăn vừa đủ no vừa ngon, không bị thừa thãi hay thiếu. Đầu tiên là phải tính lượng trước rồi. Trên mâm có 3 món: mặn, nhạt, canh chẳng hạn thì với 6 người ăn thì lượng bao nhiêu là vừa? Từ lượng lại tính ngược đến mua đồ ăn gì vừa với lượng đó? Và muốn ngon thì làm thế nào thế nào để chế biến nó lạ miệng, thay đổi món. Tự đặt những câu hỏi đó với chính mình, và tự trả lời như việc chỉ có mình ăn món ăn mình sẽ nấu ra thì sẽ làm được. Chứ còn nghĩ mình nấu thế này thì người khác được hời, hay mất công mình thì sẽ tự nhiên giảm mọi ý tưởng sáng tạo xuống. 😀 Có lẽ vì thế mà tôi hay thích sáng chế ra món ăn mới nhưng do không có tài nên thường là mọi người không hiểu đó là món gì. 😀
“Chuyện chọn nghề bán hàng của mẹ”. Còn tiếp….