Cảm xúc
Cảm xúc là một thứ mà nhiều khi bạn bắt tay lên trán và không thể hiểu được về nó. Nếu nó vui, nó buồn, nó giận, nó bực mình do bên ngoài tác động đã đành. Đằng này bạn còn không thể hiểu tại sao lại thế. Đâu có gì để mà buồn đến thế. Đâu có gì để mà phiền lòng đến thế. Đâu có gì để mà giận đến thế.
Vì không hiểu nó là cái gì nên câu cửa miệng: hãy cứ sống thật với chính mình đi, hãy cứ sống với cảm xúc của mình đi, yêu hết mình, cháy hết mình, tuổi trẻ có bao nhiêu mà chờ đợi; hoặc đừng kìm nén nó, bạn sẽ càng trở nên khó coi hơn mà thôi; đừng cố chịu đựng nỗi đau, hãy khóc đi cho nhẹ lòng…vv và mây mây.
Nhưng lạ là đã không hiểu nó, con người ta lại cố muốn đi làm chủ nó để nó đừng quá vui quá buồn mà sinh ra bệnh, để nó đừng quá kìm nén trong lòng cũng sinh ra bệnh, để nó đừng quá nóng giận hay phiền não mà cũng sinh ra bệnh, hay già, hay xấu… Vì luôn sợ bệnh, sợ chết, già, xấu… mà người ta tìm mọi cách làm chủ cảm xúc của mình. Người ta làm mọi thí nghiệm chứng minh từng loại cảm xúc có ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể con người, để mà tìm cách hạn chế cảm xúc tiêu cực, phát triển cảm xúc tích cực.
Nhưng có ai đã từng đặt câu hỏi, cảm xúc đến từ đâu, tại sao nó lại được sinh ra, tại sao nó lại chi phối ta đến như vậy? Có lẽ câu hỏi này mới chỉ được thái tử Tất Đạt Đa đặt ra và tìm được câu trả lời.
Khi các giác quan của chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tại tế bào thần kinh giác quan, các thông tin đó được ghi nhận. Mỗi giác quan ghi nhận 1 loại thông tin khác nhau nên mắt k dùng để ngửi, mũi không dùng để nhìn…. Các thông tin nơi tế bào thần kinh giác quan này vốn dĩ chỉ là một thông tin trung tính. Nhưng khi chúng được dẫn truyền lên não, tại đây não bộ phân tích xử lý, so sánh, đối chiếu, quy nạp… với các tiêu chuẩn, điều kiện, quy ước do cá nhân mỗi người tự tích lũy, học hỏi, xây dựng lên. Thông tin đó cho ra kết quả phù hợp, đúng, nó sẽ dẫn truyền một tín hiệu báo hiệu lên cơ quan thần kinh nội giác quan, nội tạng phát ra các chất gây nên cảm giác hay cảm xúc vui, thích,…. Và cơ chế tương tự với các cảm xúc khác. Cảm xúc vui thích chúng ta muốn nắm giữ, có mãi. Cảm xúc không thích ta muốn bỏ đi, không có.
Về cơ bản chúng ta thấy đây là cảm xúc có điều kiện, vì thế chúng ta tìm cách thay đổi thế giới bên ngoài để các giác quan có thể được tiếp xúc với điều kiện tốt đẹp và tránh xa điều kiện không tốt. Nhưng chúng ta quên mất, khi thông tin tiếp nhận qua giác quan vào não bộ nơi xử lý thông tin thì nó phụ thuộc vào tiêu chuẩn thước đo cá nhân của mỗi người. Người thì 50tr là hạnh phúc thành công, người thì 500tr cơ. Người thì mặt tròn thì xinh, người thì mặt dài mới xinh… Vậy là mọi cảm xúc có ở nơi ta đều do cái trung tâm xử lý này mà ra. Ta mới là tội phạm chứ không phải những cái bên ngoài kia.
Nhưng nhìn kĩ lại, có những cái ta đâu có đặt tiêu chuẩn vậy đâu. Nó tự hình thành từ khi cha sinh mẹ đẻ rồi đó chứ. Vì thế mà chúng ta mới gọi là tính cách. Như vậy, là các thông tin này nó đã được lưu trữ từ bao giờ ý, nên mới sinh ra thai giáo 0 tuổi để có lượng thông tin cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ. Rồi đổ tội tại gen di truyền, nên cha mẹ phải không được cáu gắt, phải yêu thương từ khi còn mang thai. Trong khi 95% gen ADN có được, các nhà khoa học không giải thích được từ đâu ra.
Và rồi chúng ta đi vào một thứ cảm xúc được gọi là vu vơ, chẳng biết từ đâu sinh ra. Nhìn chúng diễn sinh mà không hiểu nổi. Mới thấy cái tôi, cái ta này đâu có là chủ nhân chủ sở hữu của cảm xúc đâu. Nó do những căn trần nào đó, đang tương tác với thông tin nào đó trong não bộ của chúng ta. Có đuổi được chúng không? Có ngăn được chúng không? Có làm cho một cảm xúc nào tự dưng sinh ra không? Chẳng thể nào. Vậy chúng ta cố làm chủ điều gì? Chúng ta đổ tội tại điều gì?
Nó đến nó đi, vốn lẽ tự nhiên là thế, vốn nó sẽ chẳng ảnh hưởng đến ta nếu ta đừng dừng lại để tò mò về nó. Nếu thích chúng ta có thể ngắm nhìn nó. Nhưng ngắm mãi, rốt cuộc cũng chẳng có gì hay ho. Chúng ta lại đứng dậy phủi mông đi về như khi xem xong một bộ phim. Có ấn tượng không, có hay không? Uh, thì có, nhưng chỉ là một bộ phim mà thôi. Chúng ta chỉ khổ, chừng nào đi kiếm tìm một nhân vật như trong phim, một thần tượng như trong phim, một bối cảnh như phim mà thôi. Thực tế có người vì xem phim mà ám ảnh nhân vật đó cả cuộc đời. Còn chúng ta, xem bộ phim do chính chúng ta diễn mà không phân biệt được để rồi mãi hư ảo trong các khung hình.
Cảm xúc là gì? Đến từ đâu? Đi về đâu? Thuộc về ai? Làm sao ta khổ ta vui vì nó? Vài câu đơn giản vậy thôi, nhưng nếu trả lời được bạn sẽ trở thành người xem phim thay vì làm diễn viên chính khóc khóc cười cười cả cuộc đời mà không biết vì sao.