Có bao giờ trong đầu bạn có suy nghĩ về một hành giả nào đó: ơ tu rồi mà, tu rồi làm gì còn cái ta cái tôi gì nhể, không còn cái ta cái tôi thì thế nào mà chả được nhể, làm sao phải thế nọ phải thế kia, cứ sống như mình thích, cứ sống như mình muốn…?
Đó là câu nói tôi đã từng được nghe khi tham gia sinh hoạt cộng đồng. Khi chưa thực hành BCĐ, tôi sẽ suy nghĩ: ừ người kia có vẻ nói đúng, còn vị kia nếu mà chấp thủ sẽ: đó là quy định, đó là thế nọ là thế, anh phải tuân thủ theo. Và chắc chắn, là sẽ nảy ra xung đột và tranh cãi ngay. Nhưng vị kia không nói gì.
Đến khi tôi thực hành BCĐ rồi, mới nhận rõ về cái sự việc: dở ông dở thằng này, cứ tỏ ra hay và tỏ ra mình hiểu biết, nhưng thực ra thì không biết gì cả. Nói ra thì động chạm lắm ý, nhưng mà cũng phải nhìn nhận thẳng thắn thôi, và dưới góc độ cá nhân, tôi cũng hiểu tại sao vị kia không nói gì.
Thứ nhất: hiểu đúng về cái tôi, cái ta, cái của tôi. Đầu tiên phải nhận mặt được Thực tại này là các Cảm thọ hay thông thường gọi là Cảm giác do Giác quan tiếp xúc với thế giới vật chất và thông tin mà được sinh ra. Cảm thọ này do hai nhân đó mà sinh, vắng mặt một trong hai nhân đó thì không thể có. Ví dụ bị mất một giác quan nào đó thì thông tin về thế giới về loại đó người ấy không tiếp nhận được. Chính vì vậy, cảm thọ này là Vô thường, Vô ngã. Nhưng chúng ta lại cho rằng Mắt thấy Hình ảnh, Tai nghe Tiếng… nên cho rằng hình ảnh, âm thanh… đó là của tôi, do tôi làm, do tôi nghe, do tôi thấy… tức là có một đối tượng được nhận biết và một chủ thể được nhận biết. Nên mới sinh ra cái gọi là cái Tôi, cái Ta, của Tôi, của Ta như vậy.
Khi một ai đó chấp thủ rằng: đó là Tôi, đó là của Tôi thì hoàn toàn hiểu được người ấy đang nhận vơ một cái chẳng của mình, chẳng của ai vào làm của mình, là mình.
Thứ hai cần hiểu về Quy định xã hội. Quy định xã hội là nét văn hóa, là các nguyên tắc hành xử, do một xã hội đặt ra dựa trên sự thống nhất cơ bản của đại đa số các cá nhân tham gia. Quy định này chúng đảm bảo cho các cá thể tham gia được hài hòa về mặt lợi ích, tính nhân văn, đạo đức, tính bảo tồn,… Quy định xã hội không dựa trên ý chí chủ quan hay một tiêu chuẩn cá nhân nào cả. Các quy định xã hội này hoàn toàn vắng bóng cái tôi, cái ta. Chính vì vậy, một cá thể nào tham gia, có sự khác biệt với số đông còn lại sẽ được cho là cá biệt, thiếu hòa hợp cộng đồng, thích nổi trội, thậm chí điên rồ…
Tại sao đã không có cái tôi cái ta, mà khi tham gia cộng đồng lại phải để ý đến cái tôi cái ta? Chỗ này rất nhiều người nhầm lẫn nên thường thích một mình một kiểu là như vậy. Nếu đã là quy định chung của tập thể và bạn vắng bóng cái tôi, cái ta thì tại sao bạn còn đề cao cái tôi cái ta của mình để cho một mình mình một kiểu?
(Ở đây k bàn luận đến một quy tắc đã mang tính lỗi thời, và đúng là có những kẻ phá cách như vậy mới tạo nên những cái mới, cái phát triển cho xã hội. Nhưng đó là đề cập đến vấn đề khác. Mặt khác, không ai không nhận thấy rằng kẻ phá cách đó có bản ngã đầy mình.)
Thứ ba cần hiểu: lời ăn, tiếng nói, hành động của một người được phát sinh dựa trên sự hiểu biết của con người đó về thực tại gọi là Chánh tri kiến. Sự hiểu biết đầu tiên đó là thực tại là cảm thọ, nên người đó không có cái tôi, cái ta nào với lời ăn tiếng nói của mình. Sự hiểu biết thứ hai, là do người ấy có sự hiểu biết thứ nhất, mà trong tâm người ấy không có những suy nghĩ, tư duy, lòng dục nào phát sinh mang tính tham, sân, si với lời ăn, tiếng nói, hành động của mình.
Chỗ này rất nhiều người nhầm lẫn, cho rằng nếu chứa tham, sân, si là lời ăn, tiếng nói đó là thô tục, bất thiện, còn không chứa tham, sân, si thì lời ăn tiếng nói đó là nhẹ nhàng, có thiện. Về cơ bản, thoáng qua là vậy. Nhưng cần nhìn sâu sắc hơn. Nếu lời ăn tiếng nói đó không manh tính cá nhân, không vì lợi ích cá nhân, mang tính chất khoa học, phân tích ra sự thiệt hơn trong hành động hay hành vi của ai đó thì nó có thể sẽ gây khó chịu, sự không đồng tình nhưng cũng hoàn toàn không hề mang tính tham sân si. Ví dụ tôi chỉ ra bạn đang làm như thế là lười biếng đó, thì việc tôi nói vậy, không có nghĩa tôi sân si với bạn. Ngược lại, việc ai đó với lời ăn tiếng nói dù là nhẹ nhàng, nhưng lại dựa vào thói quen cho rằng dễ duôi như vậy cũng là được rồi thì cũng vẫn là mang tính cá nhân. Dựa trên thói quen cá nhân, sử dụng tri kiến cá nhân để phát sinh lời ăn, tiếng nói, hành động. Chưa kể việc một số người lời ăn, tiếng nói nhẹ nhàng nhưng thiếu tinh tế, thận trọng, không suy xét tới kết quả dẫn tới gây chia rẽ, tranh cãi.
Như vậy, tu tập Chánh tri kiến mới đưa đến những lời ăn, tiếng nói, hành động vừa không chứa cái tôi, cái ta, vừa phù hợp thuận lý với các Quy định xã hội. Chứ không phải cứ cho rằng đất trời này không của ai cả, cái ta cũng không có, để rồi thích diễn thế nào thì diễn. Và vì có Chánh tri kiến, người ấy hiểu phát ngôn kia cũng chỉ là lộng ngôn, dựa trên sự hiểu biết phiến diện một chiều để mà từ đó không phát sinh sự tranh cãi đúng sai, thiệt hơn ở đây vậy.