Thiền là cái chi chi, mà bạn này bạn nói nhiều thế? (lôi thức bản ngã ra mạn đàm chút)
Đa số sẽ nói rằng, thiền rất khó, rất mất thời gian, rồi không thể tập trung được khi thiền, đầu óc còn phải lo bao nhiêu là cơm áo gạo tiền, làm sao mà thiền. Chưa đi vào hướng dẫn thiền, mình sẽ nói ở đây vài kiểu “thiền” mà mọi người đang thấy và biết.
Thiền thư giãn.
Đây là kiểu thiền hay áp dụng nhất ở các lớp yoga hay các lớp học kỹ năng sống. Sẽ có một số bản nhạc được mở lên, du dương, êm đềm, tiếng sóng biển, tiếng chim hót, tiếng gió reo. Bạn thả lỏng toàn bộ cơ thể. Bạn như đang thấy mình ở trên bãi biển, hay trên một ngọn đồi cao. Bạn đang ngắm bình minh lên, những tia nắng đầu tiên thật đẹp, những làn gió đưa hương thơm ngát, dịu dàng, tiếng chim hót xa xa, …mọi thứ mơn man, thư thái… Tớ viết này thôi, bạn đã rơi vào trạng thái đó rồi đấy. Vì bạn đang để tâm mình lạc vào đây, lạc vào cảnh này. Bình thường thì sẽ không sao cả, hết nhạc là ok, giống như bạn thả 10k rồi ngồi vào cái ghế matxa ở cổng siêu thị.
Nhưng hiểm nguy là, nếu bạn nghiện nó, bạn sẽ thường xuyên an trú trong đó, bạn thích thú cảm giác đó. Cảnh đó là ảo, tâm trí bạn tưởng tượng ra, còn đời sống thì khác, khiến bạn sinh phiền não vì đáng ra bạn phải được thư thái như thế, thì bạn lại phải lao lực với cơm áo gạo tiền. Tâm bạn khó chịu vì những điều đó, vì nó thấy nó bị bất công, nó giống như đứa trẻ đòi được nuông chiều mà giờ bắt nó học bài.
Có những trường hợp cá biệt của hậu quả thiền thư giãn, tâm đang an trú trong ngôi nhà của chính mình, giờ nó cứ bay tới một viễn cảnh, ảo cảnh nào đó, và để ngôi nhà hoang vắng, không chủ. Chính điều này sẽ khiến cho kẻ khác dòm ngó, muốn chiếm hữu. Những kẻ đó có thể có tên gọi là linh hồn xấu, linh thức, năng lượng xấu, ngoại lai… Nó thật sự sẽ chiếm hữu tâm bạn. Nhẹ thì, đôi lúc bạn thấy bạn mơ màng, thậm chí không hiểu chính mình, hoặc thậm chí thấy mình thông minh đột xuất, nóng tính đột xuất, … Nặng thì có thể lên đồng, có thể ngoại tình, có thể mắc bệnh, hóa điên…. Chính vì vậy, mà nhiều nơi khuyến cáo, không thiền ở công viên, ở nơi đông người, gần chợ, gần nhà tang lễ…
Thiền luân xa
Là kiểu ngồi như tọa thiền, rồi sẽ có người gọi là có năng lực giúp mình mở luân xa. Con người có hệ thống 7 luân xa. Nếu các luân xa được mở, quay đều thì người đó không có bệnh tật, thậm chí còn sẽ có thần thông. Người mở luân xa sẽ thu hút được năng lượng của tự nhiên, của vũ trụ, bổ sung cho năng lượng mình phải nạp vào do ăn uống. Gốc gác của việc mở luân xa, là con người thực ra 7 luân xa này đều tương thông với vũ trụ, nhưng vì nghiệp, vì ăn uống, vì tính cách mà các luân xa này đóng bớt lại, khiến cho việc tương tác với vũ trụ kém đi. Càng ngày, việc luyện tập, việc ăn uống, khiến chúng đóng lại làm con người ốm yếu, bệnh tật.
Kiểu thiền luân xa này giống như thực phẩm chức năng, thực sự thấy ngay hiệu quả với những người già, người bệnh, ốm đau… Nhưng thực tế, thì luân xa nào của người bình thường cũng mở, không thì làm sao mà sống. Chỉ là mở ít hay mở nhiều, thì cơ thể nó tự điều chỉnh để phù hợp với cái bên trong và bên ngoài. Cơ chế là khi chúng ta ra ngoài gặp hàn khí, hay có thể là một luồng năng lượng xấu xâm nhập dẫn tới bị cảm, thì chúng ta thường ăn đồ cay nóng hay xông để toát mồ hôi chính là việc giúp mở luân xa tự nhiên mà chúng ta chỉ hiểu là mở lỗ chân lông để lạnh ra ngoài. Luân xa mỗi người tự đóng mở để bảo vệ cơ thể của chính nó.
Việc mở luân xa nhờ ngoại lực, giống như bạn tự đưa túp lều của mình ra một nơi nhiều gió vậy. Ngoài ra, có một số trường hợp, luân xa mở, và tâm thức lại thích rong chơi như ở trên, càng là ngôi nhà trống dẫn dụ kẻ ngoại lai đến dễ dàng hơn. Như đã nói ở trên, kẻ ngoại lai không hẳn phải là kẻ xấu theo nghĩa thông thường, mà là những gì chỉ cần không phải là mình, nắm giữ, điều khiển mình, không cho mình làm chủ mình đều là ngoại lai. Thậm chí, đột nhiên xuất khẩu thành thơ, họa trong vô thức, biết chuyện tương lai, quá khứ… đều là ngoại lai. Có một số người rất thích thú với việc này, vì chúng làm cho bạn có một điểm đặc biệt mà người khác ngưỡng mộ. Tuy nhiên, xét về bản chất, chẳng người vợ nào thích chồng mình có T3 dù T3 đó xinh đẹp, tài giỏi cỡ nào, làm hết việc nhà cho mình để mình đi chơi. hihi
Thiền khí công
Đây là kiểu thiền tập trung vào việc hít vào thở ra, nén giữ khí, đẩy khí ra ngoài, hay các khối khí dịch chuyển trong cơ thể. Dùng ý dẫn khí đi tới các vùng cơ thể của mình. Kiểu thiền khí công thực sự mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, thậm chí khi xung mãn có thể tự khai mở luân xa hay các huyệt đạo chủ đạo của cơ thể. Khí ở đây có khí tiên thiên và hậu thiên, có khí âm và khí dương. Người biết luyện tập sẽ kích hoạt được khí tiên thiên, thu nạp và dưỡng trưởng khí dương. Xem các phim kiếm hiệp, phim chưởng thì đều luyện thiền khí công là cái này.
Tuy nhiên, khí của mỗi con người không phải lúc nào cũng vậy. Chỉ cần phụ nữ sau khi sinh, nam giới sinh hoạt không điều độ là đã hao tổn dương khí. Người già, người bệnh ốm yếu thì dương khí càng kém. GIờ các bạn thử va đập vào đâu xem, sẽ thấy chân tay tím tái là do khí ở của bạn đã yếu. Trẻ con va đập có tím nhưng rất nhanh mất vì khí tự điều chỉnh. Còn người tập khí, thì va đập còn không thể tím, không phải do da thịt quen mà do họ được vệ khí bảo vệ.
Tập thiền khí công không dễ, đòi hỏi có thầy hướng dẫn. Nhưng thầy hướng dẫn đa số đều bảo bạn hít vào thở ra ở giai đoạn sơ cấp nhất rồi lại dùng tới biện pháp tưởng – gần giống thiền thư giãn và cho lạc vào các cảnh giới như ở bài đầu. Với thiền khí công, thì việc khó là phải phục khí. Phải có khí rồi thì bạn điều chuyển nó tới đâu mới được chứ. Còn không, cơ thể bạn đang cạn khí, không có thì lấy đâu ra điều khí, mà dẫn khí về đan diền, rồi kích hoạt tiểu chu thiên…
Thiền Phật giáo
Có lần mình đọc, bên khí công gọi thiền Phật giáo là dạng khí công cao cấp. Vì có theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra, gồm 16 thời. Thực ra, đây là bài đầu tiên của quán thân trên thân. Vì hơi thở là cái ít bị dính mắc bởi cái bên ngoài nhất, nó lại ở trục giữa của cơ thể, nó cũng là cái mà thấy hiệu quả nhanh nhất. Giờ bất kể ai, dù không biết chút nào về thiền, không biết chút nào về tâm linh, cứ ngồi ngay ngắn, thả lỏng, rồi theo dõi hơi thở vào ra, đều cảm thấy mình được thư giản, được thoải mái, tâm tính được dễ chịu ngay. Mặt khác, hơi thở không dính mắc với cái bên ngoài nên tâm trí không bị lan man ra cái khác.
Tiếp sau quan sát hơi thở là thiền: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nói chuyện. Thiền hành là việc được làm đầu tiên. Mỗi bước chân nhịp nhàng di chuyển, bạn theo dõi cử động của chân, cử động của thân, đồng hành với phản ứng của tâm mình theo các cử động đó. Các hành động khác cũng làm tương tự. Việc này khó, vì chúng ta hay quên việc theo dõi cử động của tay, chân, mồm, miệng… mà hay theo dõi vào cảnh có đẹp không, vật cầm có nặng không, món ăn có ngon không….
Sau quan sát các cử động hữu hình, thì quan sát cảm giác, rồi cảm xúc của chính mình. Chúng cũng có nảy, mọc, phát triển, ồn ào, quậy phá, đu đưa, rồi lặng im, rồi biến mất… Ý nghĩ cũng vậy, tương tác với ngoại cảnh, ngoại vật là nó sẽ đưa ra khái niệm, giải thích, tư duy, logic, suy diễn, biến hình…. Nhưng chúng ta thường khó có thể thiền với cảm giác, cảm xúc hay ý nghĩ của mình, vì chúng ta mải đuổi theo nó, miên man theo nó, thấy nó như vậy, và nghĩ nó như vậy, nó là mình – Thành ra bạn cứ là nó, đau khổ, vui buồn, giận ghét, sân si.. Trong khi nó là nó, mình là mình, chẳng liên quan. Tự cho mình là nó, rồi gào lên, tôi khổ quá trời.
Thực sự là thiền phật giáo khó lắm. Không hiệu quả tức thì. Thậm chí, ngồi cái mà bảo quan sát tâm mình thì còn loạn hơn vì thực ra tâm mình xấu mà, nó loạn cào cào, nó nhảy lăng xăng, thậm chí mình còn đầy cái xấu xa mà mình không dám thừa nhận. Nhưng khi mình hiểu rằng, tất cả đều là ngoại cảnh, mình có thể quan sát được sự chồi thụt của cảm xúc, cảm giác, sự suy diễn của ý niệm, thì thật sự lúc đó bạn hoàn toàn, hoàn toàn có thể làm chủ được cảm giác, cảm xúc của mình. Về hiệu quả sức khỏe thì mới đầu cũng chẳng thấy đâu. Vì giờ đau, ốm, bệnh tật mình đều quán thân trên thân bảo không sao, không đau nữa chứ. haha. Nhưng mà, dần dần, bạn lúc nào cũng nói tôi không sao đâu, tôi ổn mà, mọi thứ đều tốt mà, thì thật sự chẳng biết bệnh đi đâu hết í. Chưa kể một số nguyên lý sâu xa hơn mà có giải thích thì bạn cũng chỉ thêm khó hiểu.
Vậy nhỉ. Bạn lựa chọn hình thức nào để luyện tập cho mình thì đó là tùy theo mong muốn của bạn, cái tham, cái lười của bạn. Chứ mình không thích câu là “do duyên”. Sinh ra là kiếp người để được học, được thấy cái gì tốt cho mình và lựa chọn. Bạn tham, bạn lười thì bạn chọn con đường dễ, nhưng cẩn thận, có thể nó sẽ là đường cụt.