Bạn quá thông minh? Và các câu hỏi thường trực của bạn:
– Đây là cái gì?
– Nó như thế nào?
– Tại sao lại thế nhỉ?
– Sao lại như thế này mà không là thế kia?
Nhưng bạn thử thay đổi lại xem và hỏi với các câu hỏi?
– Đây là khổ?
– Đây là nguyên nhân đưa đến khổ?
– Đây là khổ diệt?
– Đây là con đường đưa đến khổ diệt?
Đức Phật đã gợi ý như thế nào?
❶ Khổ thánh đế (Dukkhaṃ ariyasaccaṃ), hay khổ đế (Dukkhasacca). Chân lý về sự khổ, tình trạng khổ hiển nhiên, như sanh già bệnh chết, oán hội ngộ, ái biệt ly, cầu biết đắc. Tóm lại Ngũ Thủ Uẩn là khổ.
❷ Khổ tập thánh đế (Dukkhasamudayo ariya-saccaṃ), hay tập đế (Samudayasacca). Chân lý về nhân phát sanh khổ, tập khởi của khổ. Tức là lòng tham muốn, ái luyến, bám chấp chỗ này chỗ kia, gồm có dục ái, hữu ái và phi hữu ái.
❸ Khổ diệt thánh đế (Dukkhanirodho ariya-saccaṃ), hay diệt đế (Nirodhasacca). Chân lý về sự diệt khổ. Một trạng thái đoạn diệt hoàn toàn khát ái, không còn thủ truớc, vô nhiễm, an tịnh và giải thoát, tức là Niết-bàn.
❹ Khổ diệt đạo lộ thánh đế (Dukkhanirodha-gāminīpaṭipadā ariyasaccaṃ), hay đạo đế (Magga-sacca). Chân lý về con đường đưa đến diệt khổ, pháp thực hành để đạt đến Niết-bàn. Tức là bát chánh đạo, con đường trung đạo, gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Xem [400] bát chánh đạo.
Bốn thánh đế này được Đức Phật thuyết trong bài pháp đầu tiên khởi điểm công cuộc hoằng hóa, gọi là bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta), bài pháp này cũng gọi là pháp thoại đề cao (Sāmukkaṃsikā dhammadesanā), vì là pháp môn quan trọng hằng được chư Phật xiển dương.
(D.III.277, S.V.421, Vbh.99, Vin.I.9)
P.s: chúng ta học Phật để thoát Khổ, đâu phải trở thành giáo sư, nhà chính trị, nhà triết học, nhà hùng biện nhỉ