Bạn quan tâm tới điều gì khi học pháp của Phật?

Có rất nhiều mục đích khi học pháp của Phật. Tạm liệt kê ra đây một số ví dụ:

– Học pháp của Phật để được bình an. Nhiều người đi học học pháp của Phật là mong an lành. Thậm chí một số bạn của tôi nói, nghe Kinh, hay nghe giảng, hay đi Chùa mồng 1, ngày rằm thôi cũng cảm thấy được an tâm, nhẹ nhàng trong tâm. Những giây phút nghe Kinh, nghe giảng, tới Chùa, ngoài thay đổi sự chú tâm ở việc đời lên pháp Phật, còn có niềm tin rằng, tâm mình được nương nhờ nơi cửa Phật, mà vì thế như một liều thuốc giảm đau, khiến cho tâm bạn được nhẹ nhàng, thư thái. Nhưng nó không giải quyết được căn nguyên, nó không hiểu được sự thật, và vì thế, các phiền não, đau khổ, buồn vui, nóng giận… vẫn cứ lặp lại, đáng buồn là lặp lại với điều kiện và hoàn cảnh tương tự, rồi không hiểu tại sao lại như vậy và phiền não hai lần phiền não. Pháp của Phật giúp mỗi người học Phật hiểu được và khi thực hành thì thân chứng được sự thật thế giới này là cảm thọ, nó sinh lên rồi diệt ngay nên vô thường, vô chủ, vô sở hữu.

– Học pháp của Phật để có được thần thông. Những thần thông như đoán biết vận mệnh tương lai, biết phong thủy tốt xấu, biết gia cảnh gia đạo, nghe được từ rất xa, nhìn được bằng con mắt thứ ba, đi mây về gió … Các khả năng đó có rất nhiều ở các pháp môn khác. Trì chú mật tông, rơi vào tầng thiền sâu, ý thức mất, các pháp nằm trong kho chứa câu nhiễm với thế giới bên ngoài là có khả năng xảy ra. Nhưng những cái này, đâu phải pháp của Phật. Đến Phật dù chứng phi tưởng, phi phi tưởng xứ, vẫn chưa thấy mình được giải thoát, chưa hết được phiền não, khổ đau và Ngài vẫn quyết tâm đi tìm ra sự thật. 49 ngày ngồi dưới gốc cây bồ đề, ngài vào được các tầng định: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Nên nhiều người học pháp Phật nguyên thủy, lại tìm bằng được cách để vào được các tầng thiền, và tin rằng, chỉ cần vào các tầng thiền là ta có thể chứng được cái nọ, chứng được cái kia, đạt được giác ngộ nọ, giác ngộ kia. Và họ băn khoăn mình đang ở tầng thiền nào, à, tứ thiền rồi, đạt rồi, sắp chứng rồi… Rồi hôm sau, họ lại băn khoăn về việc làm sao để đạt được tầng thiền như hôm qua. Và chính cái sự băn khoăn đó, chẳng thể giúp các thời thiền được an định, an trú lâu dài trong chánh định. Các tầng thiền đâu phải là nhân để chứng cái nọ, chứng cái kia. Các tầng thiền có được là do quả mà tại đó có chú tâm hay không chú tâm, có ly dục hay chưa, các các căn khởi lên có để nó có cơ hội tiếp xúc với trần hay không. Đặc biệt là Ý căn và Pháp trần, là hai cái vô cùng tinh tế, dễ xúc, mà khó thấy… Và rồi, tứ thiền thì sao, thoát thời tọa thiền, lại cho rằng ta vào được tứ thiền, để rồi ta hơn, người kém, để rồi tự ngã, ta sắp chứng rồi, đời sắp ngon rồi. Ra tới ngã tư, gặp thằng vượt đèn đỏ, tí đâm phải mình, vẫn rồ lên, hay sợ hãi mà quát nạt như thường. Cái thần thông duy nhất của Phật đó là thấy biết thế giới này là cảm thọ, để rồi có được Lậu tận thông, không bị dính mắc vào thế giới sắc dục, không còn tham ái.

– Học pháp của Phật để có được tuệ giác. Tuệ giác đó như biết hết chuyện thiên hạ, biết hết chuyện các bộ môn khoa học, nói chuyện với thế giới siêu hình, thế giới tâm linh chăng… Biết chuyện thiên hạ là việc của phóng viên. Biết chuyện khoa học là của các nhà nghiên cứu. Nói chuyện với thế giới siêu hình là của các nhà ngoại cảm. Biết chuyện thế giới, khoa học để rồi đau khổ, phiền não về chính trị, xã hội, văn hóa. Cho rằng những con người kia ngu dốt đang phá hủy thế giới, nhân loại. Ai sẽ phân định: máy tính, hay smartphone đến giờ này thực chất là giúp ích hay không giúp ích cho loài người? Biết chuyện quá khứ tương lai, biết chuyện thế giới siêu hình để rồi lo lắng, hay khiến người khác lo lắng, phiền não về một sự việc đã qua hay chưa tới thì cũng có ích gì hơn? Phật không có dạy để có được tuệ giác như vậy. Pháp của Phật là Tuệ giải thoát. Nhưng một số người lại mong muốn có được Tuệ giải thoát là một cái gì đó rất cao siêu, là sự chứng ngộ rất vi diệu. Để mà mong cầu, để mà hý luận với người khác. Nhưng sự thực, tuệ giải thoát rất đơn giản đó chính là hiểu biết về sự thật thế giới này là cảm thọ, có vị ngọt, có sự nguy hiểm của cảm thọ để mà xuất ly; hiểu biết như thật về Lý duyên khởi – 12 nhân duyên của thế gian để dừng lại các vô minh, duyên hành; hiểu biết về sự vô thường, vô chủ, vô sở hữu để mà không còn bị dính mắc, ràng buộc, hay chính là giải thoát khỏi các hoàn cảnh tới mình, các vấn đề đang xảy ra với mình và với nhân loại.

Bạn đi học với mục đích gì? Còn tôi, đi học để đạt được cả ba mục đích trên, hehe.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website