Bạn ổn?

Có một lỗi rất lớn khi học đạo đó là chưa thấy biết rõ ràng, đã sa đà vào việc vô ngôn, hoặc không cần khái niệm, hoặc chỉ cần biết thế thế, thấy thế thế… là đã cho rằng mình ok rồi. Lỗi này xuất phát lớn từ không chịu đọc Kinh Sách, không chịu tham khảo trải nghiệm của các bậc Giác ngộ, mà tự cho rằng an an là được, không suy nghĩ gì nhiều là được, mình tự là thầy của chính mình là được. Nhưng trạng thái mơ hồ, không rõ ràng này được Phật định nghĩa rõ ràng là Vô Ký – nghĩa Hán Việt miêu tả rất đúng ở việc không có sự ghi nhận.

Chúng ta hiểu đơn giản như thế này: trừ khi chúng ta bị tật ở các giác quan ở ý là down (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) thì chúng ta mới không có sự nhận biết thế giới (được mô tả dưới 6 dạng là sắc (hình ảnh), thanh (âm thanh), hương (mùi), vị, xúc (chạm), pháp (thông tin khác). Vậy khi chúng ta sống, hoàn toàn bình thường, thì sự nhận biết này là hoàn toàn đang diễn ra, đang có mặt. Nhưng vì chúng ta bị bận bịu, bận bịu nhiều thứ, miên man nhiều thứ nên không nhận biết rõ chúng có mặt từ đâu, như thế nào, khiến tâm ta lại có những phản ứng, suy nghĩ tiếp theo, hành động tiếp theo như vậy.

Những thứ rất cụ thể, đến từ 6 giác quan chúng ta còn mơ mơ hồ hồ thì những khái niệm trừu tượng hơn như thiền, như tâm giải thoát, như tuệ giải thoát, như giác ngộ, như Niết bàn làm sao chúng ta có thể hiểu. Mà lại quy chụp chúng tất cả thành thiền là không suy nghĩ, giải thoát là không nắm nắm giữ, giác ngộ là hiểu biết mọi thứ về thế giới, Niết bàn là một cõi nào đó… Sự an an mà chúng ta đang có cho rằng đó là thành tựu, cho rằng đó là đích và dừng lại an trú ở đó.

Nhưng thực tế có phải vậy không? Thật sự cái gì cũng phải lên đến đỉnh, thật rõ ràng, cụ thể, trước khi bạn có thể bỏ qua tất cả những chúng. Tuệ giải thoát là sự thấy biết rõ ràng mà không dính mắc, chứ không phải là không thấy không biết rồi kệ nó thôi, nó là chuyện đâu đó. Phật nói rất rõ ràng đối với một người đạt giải thoát là Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát chứ không chỉ riêng cái tâm an an là được.

Hãy kiểm chứng trong thực tế cuộc sống: nếu đưa cho bạn rổ đồ và bạn không thể sắp xếp chúng, phân loại chúng thì Tuệ bạn có nó ở đâu? Khái niệm 5S của người Nhật là một bài học rất hay cho việc rèn luyện chúng. Thật sự, bạn nói hay, nói trời nói biển hay như thế nào chăng nữa, nhưng Chân Pháp không xa rời Thế gian pháp. Nếu đời sống của bạn bất ổn, mọi thứ tùm lum, không có sự minh triết trong công việc, quản lý thời gian và công việc không hiệu quả, thì tôi nghi ngờ về con đường đạo của bạn.

Vẫn nhắc lại, không phải tốt đời đẹp đạo mà là Tốt đời nhờ Đẹp đạo. Nếu bạn là một người tu tập tốt, chắc chắn sẽ có một đời sống tốt. Nếu bạn đã không chọn xuất gia, cho rằng đời sống xuất gia nghèo nàn pháp, chọn thế gian để nhiều pháp cho tâm mình đối diện thì hãy làm cho thế gian của bạn thật tốt, trước hết là không gây phiền não cho mình và cho người. Chứ không phải, đó là kiểu của tôi, đó là kiểu của người giải thoát, ai phiền não kệ người ấy. No no no. Bạn đã đang để bản ngã làm mờ mắt và che lối.

Túm lại, khi bạn tự cho rằng mình đang ổn, thì tôi có viết và nói ra bao nhiêu cũng khó lòng chọc thủng được bản ngã cố hữu của bạn.

Thôi thì lại uống trà vậy, bạn có thể cảm nhận đủ 8 loại giác quan một cách rõ ràng mà giới khoa học trà đưa ra thì cũng gọi là trên con đường đắc đạo rồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website