Bạn đã tham thế nào?

“Kết quả của kinh doanh không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là bạn nhận ra mình đã tham như thế nào.”

Đây là câu nói của một người anh khi hai anh em chúng tôi cùng trao đổi vấn đề của người có học đạo ra làm kinh doanh. Chúng tôi không là tu sĩ, nên để cung cấp nhu cầu sống thì vẫn là làm kinh doanh để có tiền sinh sống. Nhưng mặt khác, qua kinh doanh mỗi chúng tôi cũng cần học các bài học từ thực tế này đem lại.

Từng bước cùng nhìn lại lòng tham của mỗi chúng ta đã đang đi tới đâu:

– Khi bạn nhìn thấy người khác kinh doanh một mặt hàng tốt, bạn nghĩ là sẽ tốt và bạn cũng muốn bắt tay vào làm – nhưng mỗi người một sở trường, sở đoản, một lợi thế phía sau – bạn có tố chất gì, có nguồn lực gì để có thể làm tốt và làm tốt hơn vậy? Hãy hiểu mình trước khi để lòng tham lên tiếng.

– Khi bỏ 10 đồng vốn, bạn lãi 2 đồng, nên bạn nghĩ rằng, nếu bạn bỏ 100 đồng vốn, bạn sẽ lãi 20 đồng – nhưng trong kinh doanh có thứ gọi là Hiệu suất đầu tư – bạn đã biết cách tính con số này chưa, hay chỉ là cảm quan và cảm giác? Kinh doanh không thể chỉ lý tính, nhưng cảm tính là xong rồi.

– Bạn nhập 10 mặt hàng, và lượng khách cần đang là 15 thậm chí là 20. Bạn nghĩ tới con số 100, 1000 sản phẩm cho lần nhập mới tiếp theo này. Nhưng cuối cùng, số tồn kho lại quá lớn, hoặc thời gian bán hàng quá lâu. Chỉ vì bạn chưa tính được dung lượng thị trường cho sản phẩm.

– Khách hàng nói: báo giá cho anh số lượng 100 nghìn đơn vị sản phẩm đi, nhưng thực tế, khách mua có 10 đơn vị sp thôi ạ và áp giá đó. Ở đây không nói khách nói dối, mà là bạn đã kỳ vọng ở con số bán sỉ, thay vì nói rõ về giá bán lẻ và bán sỉ cho khách hiểu.

– Hoặc câu chuyện kỳ vọng với khách cũng tương tự: cứ giao hàng đi anh thanh toán, cứ để đó rồi anh thanh toán… bạn đã không làm quy tắc trong kinh doanh, mà lại dựa vào sự kỳ vọng: làm vậy cho khách hàng thấy thoải mái, làm vậy khách hàng sẽ mua lại của mình vì mình dễ tính…

Bên cạnh những cái tham rất thô thiển, và thấy ngay:

– giảm chất lượng sản phẩm để hạ giá thành

– giảm quy cách sản phẩm để cạnh tranh

– thật giả lẫn lộn

Thì có những cái tham vô cùng vi tế, không muốn dùng từ ngu vì từ ngu nó chưa đúng, mà phải nói thật là tham

– không biết nói không – cố gắng ôm đồm thị trường, cố gắng ôm đồm khách hàng – sản phẩm nào cũng bán, và khách hàng nào cũng phục vụ

– tự cho mình đang làm tốt mọi thứ, sản phẩm của mình có thể là cứu cánh hay là giải pháp cho mọi người vậy – kiểu trong tu đạo thì ta có thể độ hết chúng sinh thành Phật.

Còn cầu nguyện là còn bất an

Còn kỳ vọng là còn tham lam

Một nhân tốt, sẽ cho ra một kết quả tốt – chứ không nằm ở việc bạn nghĩ rằng như vậy.

p.s: còn tôi vẫn tham là mình sẽ nhận ra được bao nhiêu cái tham trong mình và nhận ra nó có mặt khi nào

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website