Chỉ khi thật sự giác ngộ, bạn mới không còn thứ gọi là mâu thuẫn nội tâm. Không có sự vênh nhau giữa cái bạn muốn (dù là bề nổi hay ẩn sâu bên trong mà ngay cả bạn cũng khó nhận ra) và môi trường bên ngoài. Đơn giản bạn không còn cho rằng như thế đó là hay, hoặc là nên là như thế và mình muốn như thế. Môi trường bên ngoài lúc đó cũng chỉ như áng mây bay không thể làm xao động sự tịch tĩnh của bầu trời nội tâm nơi bạn.
Không còn điều bạn muốn hay thích không có nghĩa bạn vô cảm với thế gian. Mà lúc đó bạn đang tận hưởng sự trải nghiệm trọn vẹn của chính mình.
Giống như việc đứng trước tủ quần áo để chọn bộ cánh phù hợp để đi dự bữa tiệc. Bạn cứ nhấc lên, đặt xuống, ướm thử vào người và dường như chưa cảm thấy đúng.
Cũng thế, bạn nhấc lên đặt xuống với những thứ quanh bạn, vì cái cảm giác của bạn. Bạn mơ hồ về thế gian và mơ hồ về chính mình. Không có gì là thật hay rõ ràng với bạn. Bạn không thấy được nó, không trọn vẹn được với nó vì một thứ: hình như chưa đúng.
Rồi bạn lại tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục làm rất nhiều việc để hy vọng đến một điểm mà bạn thấy hình như là đúng. Nhưng chẳng thể đem hai thứ vốn dĩ Dukkha mà so khít được với nhau (chữ Dukkha nguyên nghĩa tiếng Pali là các vòng tròn không đồng trục, không đồng nhất). Bạn đã thất bại ngay từ khởi đầu. Bạn đã nhầm lẫn ngay từ việc cho rằng, cho là đó.
Nếu bạn hiểu vậy và chấp nhận, kể cả có chấp nhận hoàn toàn thì đó chỉ là sự yếu đuối của bản ngã, chấp nhận sự thua cuộc với cái mà bạn cho là Sự thật.
Nhưng nếu bạn không còn cho rằng, cho là, không còn cái thứ gọi là sự kiếm tìm, không còn cái ta đứng ra chứng minh sự tồn tại, hay cố gắng khẳng định có sự thật thì tại đó mọi phép tính đều không tồn tại. Không tồn tại khác với việc có tồn tại và ép nó về dấu bằng với sự thật.
Chánh niệm liên tục giúp bạn không bị trượt khỏi con đường mà bạn đã vạch ra và muốn đi hay tìm kiếm.
Nhưng chỉ có Giác ngộ mới giúp bạn hiểu rõ hoàn toàn, không có con đường hay sự tìm kiếm nào cần phải được diễn ra cả.