Mười mấy năm học thiền, câu chuyện mà tôi chứng kiến cũng như được nghe cảnh báo nhiều nhất là: trong thiền thì thế thôi, ra ngoài đời lại sấp mặt. Bao nhiêu người cũng chỉ cố gắng dùng thiền để định tâm lại, để nạp thêm năng lượng, hay để trùng xuống những căng thẳng trong cuộc sống. Giờ, có hiểu biết đúng đắn, thì những trạng thái có được ở các thời tọa thiền đó là Tâm giải thoát, một số người có thể thực hành ở các việc hành thiền động và cũng có được Tâm giải thoát.
Tâm giải thoát là một trạng thái ở đó chỉ có cái #biết_trực_tiếp giác quan và không có cái #biết_ý_thức khởi lên (khi các giác quan (căn) tiếp xúc với thế giới (trần) thì nảy sinh cả 2 cái biết: trực tiếp và ý thức). Chính ở việc dừng lại chỉ có tâm biết trực tiếp mà ở đó không có gì dẫn truyền lên tế bào thần kinh não để nó phải phân tích xử lý, tư duy… nên có một trạng thái chỉ biết ta và ta như thế xảy ra. Tại đó như không có gì tồn tại, như không có không gian, như không có thời gian nữa. Chính vì thế mà nhiều người cho rằng các phương pháp tu hành là như nhau vì chúng đều có thể có được trạng thái tâm cuối cùng là như vậy.
Nhưng hãy so sánh kết quả của các hành động sau:- ngộ công án thiền (thiền tông)
– nhất niệm, nhất tâm (tịnh độ tông)
– chú tâm chặt chẽ nơi hơi thở (khí công)
– chú tâm nơi thiên nhãn hay đan điền (đạo gia)
– ngay khi một người đã quá mệt mỏi về tâm và ngay giây phút buông xuống hết mọi thứ
– ngay khi một vận động viên vừa chạy xong 1 quãng đường dài
– ngay khi người đàn bà vừa đẻ xong
– ngay tại khoẳng khắc lên đỉnh của cuộc giao hợp
– ngay tại giây phút ngồi trên ban công thả hồn xa tít tắp của người nghệ sĩ
– thời khắc hai người yêu nhau xa nhau lâu ngày gặp lại….
Chúng đều giống nhau là cái biết ý thức không còn tồn tại nơi khoảng khắc đó. Và rất tiếc nó chỉ chợt ngộ, hay xẹt qua mà thôi. Nhưng con đường thật của Phật ngoài giác ngộ về #Tâm_giải_thoát còn là #Tuệ_giải_thoát. Tuệ giải thoát là hiểu biết thế giới này là cảm thọ, chúng vô thường, vô chủ vô sở hữu, chúng sinh lên rồi diệt đi, không mời mà đến, không đuổi mà đi, chúng không thể nắm bắt càng không thể nắm giữ mà giúp cho chúng ta không bị dính mắc, ràng buộc, hay chấp thủ chúng là ta, chúng là của ta.
Tuệ giải thoát không phải là một cái gì ghê gớm như truyền thuyết: phải khai mở thiên nhãn, thiên căn, phải khai mở hạch tùng, phải vào các tầng thiền bí mật, sâu xa… Vì cho rằng có Tuệ để hiểu biết về tất tần tật thế giới ngoài kia, bất chấp không gian và thời gian. Tuệ giải thoát đơn giản chỉ là những điều như đã đề cập ở trên: nhận biết thế giới này là cảm thọ….để rồi không bị dính mắc, ràng buộc, chấp thủ.
Một số bậc hữu học hiểu được tuệ giải thoát như vậy nhưng lại thấy nó quá đơn giản mà tại sao mình vẫn chưa giải thoát với cuộc sống của mình: vẫn tham, vẫn sân, vẫn si… Đơn giản vì kho chứa vô minh, vì lộ trình tâm được thiết kế từ vô thủy vô chung đã ăn quá sâu vào các tế bào thần kinh não của mỗi người. Cái hệ thống kênh mương vô minh này vững chãi tới nỗi chỉ cần 1 giọt nước là nó chảy được rồi. Việc thực hành tu tập Tứ niệm xứ theo lộ trình tâm Bát chánh đạo là để thiết kế lên hệ thống Minh mới, để dẫn nhập các ý, sự việc, hiện tượng (pháp) nơi đời sống này chảy theo hệ thống kênh mương mới này. Mới đầu nó còn yếu, còn nông, thì cái gì khởi lên trong đời sống 10 phần thì 9,8 phần vẫn chảy qua hệ thống Vô minh cũ. Nhưng mỗi ngày một chút, một chút, sẽ còn lại 7,6 phần…rồi 3,2 phần…
Việc tu tập Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát cần được bổ trợ cho nhau. Cái này lên thì cái kia lên. Tức là thời gian xảy ra Tâm giải thoát càng dài thì tại đó, chúng ta dẫn nhập các pháp sang hệ thống kênh mương Minh mới này càng được nhiều và dễ dàng hơn. Kênh mương mới càng sâu, bền tức là ta càng ít dính mắc, ràng buộc các pháp thì lại có thời gian Tâm giải thoát được dài hơn. Và cứ thế, cứ thế, như một vòng tròn xoáy chôn ốc với các vòng thu nhỏ dần lại. Tại thời điểm tại đỉnh, khi Minh đã xóa Vô minh, một sự đột chuyển nơi tâm thức xảy ra, và được nói người ấy đã thấy rõ: việc cần làm đã làm, phạm hành đã thành… Việc kênh mương này là của mỗi người, dẫn đi đâu cũng là của mỗi người, mà mỗi người đều cần hiểu tự mình nương tựa mình, nương tựa nơi chánh pháp, không nương tựa ai khác…
Đã là vị hữu học thì hãy từng bước, từng bước, từng phút từng giây, thực hành chánh niệm, việc gì cần làm thì làm, không cần thiết thì bỏ. Chỉ cần ngồi lắng nghe từng hạt mưa rơi thôi. Thời gian đầu thấy cả đám ào ào, thời gian sau thấy từng đợt rơi xuống rồi mất. Rồi dần dần thấy từng hạt, từng hạt rơi xuống, mỗi hạt đều khác nhau, tiếng va với đất cũng khác nhau. Đời sống này cũng vậy, đầu tiên là cả đám cứ dồn vào mình mà không biết xử lý sao. Sau thì thấy từng việc, từng việc rõ ràng. Dần dần, thấy rõ, 1 ý niệm của mình thôi cũng là #Phi_như_lý_tác_ý hay là #Như_lý_tác_ý đó là lúc cái thấy, cái biết được Liễu tri để phát sinh Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là như vậy. …
“Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhất dạ hiền
Bậc an tịnh, trầm lặng”.
– Kinh nhất dạ hiền giả – Trung bộ Kinh (Nikaya)