Hôm qua trời còn nắng (lắng)
Hôm nay bỗng có gió ?
Mượn từ đồng âm nắng – lắng để chỉ hai trạng thái thời tiết qua và nay cũng như hai trạng thái tâm qua và nay. Chúng ta sẽ rất hay băn khoăn tự hỏi sao lại như thế này, sao lại như thế kia, sao giờ lại thế, tưởng là thế này, tưởng là thế kia cơ mà… ?
Có bao giờ, ai đó cầm một quả hồng trên tay mà biết mình cầm quả hồng trên tay không?
Rất nhiều người sẽ nói: tôi biết tôi đang cầm quả hồng trên tay, tôi đang sống với giây phút hiện tại ngay bây giờ và tại đây.
Nhưng… sau câu nói trên là gì… Sẽ là một loạt diễn thuyết về quả hồng, về bàn tay, về nhìn quả hồng sẽ thấy nọ thấy kia…
Câu “Đường dài mới biết ngựa hay” nó không đúng lắm ở hoàn cảnh này, song cái sự việc ngay bây giờ và tại đây nó hiện ra trong nhấp nháy cũng có thể được ví là “ngựa non háu đá”. Bạn có thể hiểu và từng trải nghiệm 1 khoảng khắc nào đó ngay bây giờ và tại đây, nhưng bạn không thể duy trì, không thể xuyên suốt, hay bình thường gọi là sống với nó hoặc Phật học gọi là “nội tĩnh nhất tâm”.
2 năm tôi làm quán trà đạo, rất nhiều luồng tư tưởng, tri kiến đến và chia sẻ về quán, nói chuyện ở quán. Gần như ai cũng nói rất hay nhưng họ đều vướng phải điều trên. Nguy hiểm hơn, họ thao thao bất tuyệt đến mức mà không biết người nghe có nghe và tương tác được những gì họ nói không? (Mình dùng từ tương tác để chỉ mức độ nhẹ chứ không dùng từ hiểu hay tiêu hóa được).
Khi chúng ta nói chuyện, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái “tiêu chảy tâm trí”, nói một cách như tháo cống và không thể kiểm soát, không nghe được mình nói. Khi không nghe được chính mình, vậy người khác có nghe được bạn?
Tôi có học Phật nhưng không tôn sùng đạo Phật. Nhưng đề cao các giá trị khoa học, tâm lý mà Phật học đem lại. Ít nhất là trong những trường hợp như trên.
Phật nói: hãy chánh niệm nơi 4 xứ: thân thọ tâm pháp. Bạn đã hiểu 4 xứ này là gì chưa? Hay mới chỉ nghe về tôi ăn tôi biết ăn, tôi đi tôi biết đi, làm gì biết làm gì. Đó là những cái thô sơ nhất và dễ dàng rơi vào cái biết của ý thức.
Bạn đối diện một sự việc hiện tượng, bạn biết về sự vật hiện tượng đó, nhưng bạn biết về tâm mình đang như thế nào không? Bạn đọc tới đây, có bao nhiêu suy nghĩ đang khởi lên trong bạn:
– con này hâm
– toàn viết linh tinh
– viết khá đấy
– uh, có vẻ hợp lý nhỉ
– ơ, nó đọc vị được mình à…
Ngay như chính tôi, đang viết đến đây, nếu tâm tôi đang tự hỏi: bạn có đóng bài không đọc, bạn có like, bạn có còm… là đều có một cái tâm đang xuất hiện, nó không đơn giản là mong cầu, nó mong đồng tình, nó mong tán thán, cổ vũ, xiển dương…
Nên như bài trước tôi đã viết, cái bạn để ý, không phải là chỉ quả hồng cầm trên tay, bạn hãy thử quan sát xem, mình có muốn ăn nó, muốn đem nó trưng bày cho đẹp, muốn để dành nó cho người mình thương, hay thậm chí đầy nghi vấn “hồng này có sạch không?”…
Và xa hơn, bạn có để ý, cầm một quả đầu, cái suy nghĩ đẹp nó xuất hiện, hai quả có thể vẫn muốn xuất hiện… nhưng sau suy nghĩ đó nó không xuất hiện nữa… Nó có mất đi không hay nó chuyển hóa không? Nó chỉ đơn giản đã xuất hiện và mất đi. Như hôm qua trời còn nắng, hôm nay bỗng có gió… Không chỉ các sự vật hiện tượng cứ đến đi, mà các trạng thái tâm mình cũng cứ đến đi như vậy đấy.
Chỉ là khi nó đến đừng vội vui mừng, cuống quýt hay sợ hãi, và khi nó đi cũng đừng vội sợ hãi, cuống quýt hay vui mừng… Duy trì sự nhận biết liên tục nơi đối tượng sự việc và các nội xúc, nội tâm nơi mình… Thế là đủ.
P.s: Hãy tạm gác các khái niệm: yêu thương tất thảy, vạn pháp bình đẳng, tất cả trong một, một trong tất cả… sang một bên. Trung thực nhìn thẳng vào tâm, trí mình… Trung thực thừa nhận đang có thiện, bất thiện gì nổi lên.
Hãy khéo léo nhận ra tư tưởng nào đưa mình đến hành động, ăn nói, việc làm như vậy.
Hãy khéo léo nhận ra từng lúc bản ngã mình nó muốn đồng tình, tán thán, xiển dương, ghi nhận… như thế nào.