Bạn có muốn mình mãi là kẻ phàm phu?

Vì tự ngã, không ai muốn coi hay bị coi mình là kẻ phàm phu. Nhưng Kinh Pháp môn Căn bản (Trung bộ Kinh – Nikaya) chỉ rõ:

– Kẻ phàm phu: ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh… nên #tưởng_tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại nên nghĩ đến đối chiếu với địa địa, nghĩ đến như là địa đại, người ấy nghĩ: địa đại là của ta – nên dục hỷ địa địa đại. Vì sao vậy? Vì người ấy #không_liễu_tri địa đại.

– Người hữu học: tâm chưa thành tựu, đang sống cầu sự vô thượng an ổn khỏi khổ ách. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì #thắng_tri nên không nghĩ đến địa đại, không đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến như là địa đại, không nghĩ: địa đại là của ta – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì người ấy #có_thể_liễu_tri địa đại.

– Bậc Alahan: các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa địa đại là địa đại. Vì thắng tri nên không nghĩ đến địa đại, không đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến như là địa đại, không nghĩ: địa đại này là của ta – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì người ấy #đã_liễu_tri địa đại.

Ở đây, chúng ta thấy sự khác nhau giữa kẻ phàm phu, người hữu học, bậc Alahan là ở việc #tưởng_tri, #liễu_tri. Được biết pháp của Đức Thế Tôn, được học, được thực hành để mà thay đổi cái thấy cái biết trong mỗi chúng ta từ tưởng tri sang liễu tri (cái biết như thật, đầy đủ).

Trong bản kinh Kàlaka (Tăng chi bộ Kinh – Nikaya) cũng nói: Như Lai là vị đã thấy những gì cần thấy nhưng

– không có tưởng tượng điều được thấy

– không có tưởng tượng những cái gì không được thấy

– không có tưởng tượng những gì cần phải thấy

– không có tưởng tượng đối với người thấy

Bạn có thuộc nhóm người đã không nghe pháp các bậc thánh, không thực hành pháp các bậc thánh, lại còn nghe 1 ít, hành 1 ít rồi tưởng tri ra pháp, hay tự thực hành và tưởng tượng ra rồi cho rằng nó là đúng để rồi “dục hỉ niết bàn”…

Mọi thứ cần được tuệ tri, liễu tri hay thân chứng là tự mình thấy đúng đắn và phân biệt rõ hay còn gọi là #trạch_pháp giác chi đâu là Minh đâu là Vô minh. Trong chánh tri kiến là hiểu biết đúng như thật: đây là sự thật, đây không p là sự thật. Chứ không phải chúng được ta logic hoặc ta thấy một ảo giác gì đó trong thời thiền để rồi thấy tốt, thấy đúng, cho nó là đúng, hoặc phân biệt mọi thứ đúng sai theo tưởng tượng, logic vô minh.

“Những gì được thấy, nghe.

Được cảm nhận ( rồi ) chấp trước.

Được nghĩ là chân thực.

Giữa những người thấy vậy.

Ta không phải như vậy.

Những điều chúng tuyên bố.

Dầu là thật hay láo.

Ta không xem tối hậu.

Ta trong thời đã qua.

Thấy được mũi tên này.

Loài người bị câu móc.

Ta thấy và Ta biết.

Các Đức Phật Như Lai.

Không tham đắm như vậy” – Kinh Kàlaka

Vậy thì có nên chăng đã tu học, hãy văn – tư – tu (có học hành, có tư duy, có thực hành để thân chứng) đầy đủ và đúng đắn. Bộ bản kinh MP3, trang bị cho các bậc hữu học thêm Văn tuệ, ngoài ra có các bài hướng dẫn thực hành tứ niệm xứ với các bước đi đúng đắn, rõ ràng giúp người thực hành có thể tự mình thân chứng, tự mình khẳng định, “đến để mà thấy” chứ không còn là “đến để mà tin”.

“Vô minh ta đã nhận mặt ngươi rồi. Kể từ nay ngươi không thể làm nhà cho Như Lai được nữa, … Cây đòn dông đã bị đạp gãy. Thấy Như Lai nói như vậy thì Vô Minh bỏ đi”

Hãy khéo léo nhận ra.

Hãy thành thật tự trả lời, có thể trong các tầng thiền định sâu xa, nơi vắng lặng cả sắc và danh, hãy thành thật tự trả lời:

Mục đích sâu thẳm của việc ta Tu để làm gì?

– tu để mọi người biết ta đang tu, theo một style của tky 21. để có thể chứng tỏ ta đang khác người, ta không bon chen cơm áo gạo tiền như bao người ngoài kia.

– tu để tới cảnh giới niết bàn hay có thể định tâm, an lành. có điều gì đó nhiệm màu nơi các giác quan và có thể phô bày như một trò phủ thủy, ảo thuật.

– tu để đạt trí tuệ, chánh tri kiến hay hiểu biết hết thảy. để có thể lý giải, biện luận với các tình huống xảy ra với mình, với người. để có thể giác ngộ hay chỉ dẫn cho người khác.

– tu để hết khổ, để không còn phiền não, đau đớn hay còn các loại khổ với cảnh, với đời, với người. để thoát bỏ được tham, sân, si đang chế ngự nơi tâm.

– tu để có thể nhập các đạo quả, là có thể giải thoát khỏi kiếp sống luân hồi sinh tử, là chấm dứt nghiệp tái sinh.

….

Hãy khéo léo soi xét, hãy thành thật trả lời.

Để rồi nhận ra:

Làm gì còn ta và đời

Làm gì còn ta và người

Làm gì còn ta và pháp

Làm gì còn ta mà có sống hay có chết

Không phải mặc kệ, không phải buông lơi, mặt trời vẫn đó đâu có mọc hay lặn. Có khổ có lạc, có sinh có diệt, có tu hay không tu cũng chỉ là tự ta chế định và mặc áo lên cho mình.

P/s: 1: không cần tu, sống đời vui vẻ là được. 2: tớ đang tu, và cách tu của tớ là đúng đây, hãy tu như tớ, tu như tớ để có a,b,c,…x,y,z. Thì đều là bạn đang cho mình là đúng là đủ rồi.

Định

Để không cho cái biết ý thức cùng lộ trình tâm tà khởi lên, thì lộ trình tâm cần dừng lại ở cái biết trực giác. Đằng sau nó là một chuỗi các kiến thức về vật lý học lượng tử, về năng lượng, về các bước sóng, về sự tương tác thông tin. Con người cứ tìm kiếm, cố gắng tìm kiếm để có thể tự mình lý giải được, để tự mình có thể thực chứng được. Nhưng trong môi trường “chân không”, có những thứ không thể truyền đi tiếp, những cái hữu vi được dừng lại chặn đứng, nhường chỗ cho cái vô vi. Lậu hoặc chẳng thể nảy sinh, chẳng thể bám víu. Định lực cứ thế từ từ mà tăng trưởng, để rồi cái gì cần đến sẽ đến. Chẳng cần phải cố gắng nhiều, chẳng cần phải sục sôi nhiều. Thế gian cứ giãy đành đạch trong cái đầm sình lầy của các lậu hoặc, càng giãy càng lún sâu, càng giãy càng chìm xuống.

Bất luận là việc gì trong thế gian cũng thế. Tâm không thể hướng nội, mọi thứ không thể tự tròn đầy.

P/s: người làm việc thông minh là không làm gì cả, hoặc chăm chỉ như chú kiến, lặng lẽ cần mẫn từng chút một

Bạn quan tâm tới điều gì khi học pháp của Phật?

Có rất nhiều mục đích khi học pháp của Phật. Tạm liệt kê ra đây một số ví dụ:

– Học pháp của Phật để được bình an. Nhiều người đi học học pháp của Phật là mong an lành. Thậm chí một số bạn của tôi nói, nghe Kinh, hay nghe giảng, hay đi Chùa mồng 1, ngày rằm thôi cũng cảm thấy được an tâm, nhẹ nhàng trong tâm. Những giây phút nghe Kinh, nghe giảng, tới Chùa, ngoài thay đổi sự chú tâm ở việc đời lên pháp Phật, còn có niềm tin rằng, tâm mình được nương nhờ nơi cửa Phật, mà vì thế như một liều thuốc giảm đau, khiến cho tâm bạn được nhẹ nhàng, thư thái. Nhưng nó không giải quyết được căn nguyên, nó không hiểu được sự thật, và vì thế, các phiền não, đau khổ, buồn vui, nóng giận… vẫn cứ lặp lại, đáng buồn là lặp lại với điều kiện và hoàn cảnh tương tự, rồi không hiểu tại sao lại như vậy và phiền não hai lần phiền não. Pháp của Phật giúp mỗi người học Phật hiểu được và khi thực hành thì thân chứng được sự thật thế giới này là cảm thọ, nó sinh lên rồi diệt ngay nên vô thường, vô chủ, vô sở hữu.

– Học pháp của Phật để có được thần thông. Những thần thông như đoán biết vận mệnh tương lai, biết phong thủy tốt xấu, biết gia cảnh gia đạo, nghe được từ rất xa, nhìn được bằng con mắt thứ ba, đi mây về gió … Các khả năng đó có rất nhiều ở các pháp môn khác. Trì chú mật tông, rơi vào tầng thiền sâu, ý thức mất, các pháp nằm trong kho chứa câu nhiễm với thế giới bên ngoài là có khả năng xảy ra. Nhưng những cái này, đâu phải pháp của Phật. Đến Phật dù chứng phi tưởng, phi phi tưởng xứ, vẫn chưa thấy mình được giải thoát, chưa hết được phiền não, khổ đau và Ngài vẫn quyết tâm đi tìm ra sự thật. 49 ngày ngồi dưới gốc cây bồ đề, ngài vào được các tầng định: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Nên nhiều người học pháp Phật nguyên thủy, lại tìm bằng được cách để vào được các tầng thiền, và tin rằng, chỉ cần vào các tầng thiền là ta có thể chứng được cái nọ, chứng được cái kia, đạt được giác ngộ nọ, giác ngộ kia. Và họ băn khoăn mình đang ở tầng thiền nào, à, tứ thiền rồi, đạt rồi, sắp chứng rồi… Rồi hôm sau, họ lại băn khoăn về việc làm sao để đạt được tầng thiền như hôm qua. Và chính cái sự băn khoăn đó, chẳng thể giúp các thời thiền được an định, an trú lâu dài trong chánh định. Các tầng thiền đâu phải là nhân để chứng cái nọ, chứng cái kia. Các tầng thiền có được là do quả mà tại đó có chú tâm hay không chú tâm, có ly dục hay chưa, các các căn khởi lên có để nó có cơ hội tiếp xúc với trần hay không. Đặc biệt là Ý căn và Pháp trần, là hai cái vô cùng tinh tế, dễ xúc, mà khó thấy… Và rồi, tứ thiền thì sao, thoát thời tọa thiền, lại cho rằng ta vào được tứ thiền, để rồi ta hơn, người kém, để rồi tự ngã, ta sắp chứng rồi, đời sắp ngon rồi. Ra tới ngã tư, gặp thằng vượt đèn đỏ, tí đâm phải mình, vẫn rồ lên, hay sợ hãi mà quát nạt như thường. Cái thần thông duy nhất của Phật đó là thấy biết thế giới này là cảm thọ, để rồi có được Lậu tận thông, không bị dính mắc vào thế giới sắc dục, không còn tham ái.

– Học pháp của Phật để có được tuệ giác. Tuệ giác đó như biết hết chuyện thiên hạ, biết hết chuyện các bộ môn khoa học, nói chuyện với thế giới siêu hình, thế giới tâm linh chăng… Biết chuyện thiên hạ là việc của phóng viên. Biết chuyện khoa học là của các nhà nghiên cứu. Nói chuyện với thế giới siêu hình là của các nhà ngoại cảm. Biết chuyện thế giới, khoa học để rồi đau khổ, phiền não về chính trị, xã hội, văn hóa. Cho rằng những con người kia ngu dốt đang phá hủy thế giới, nhân loại. Ai sẽ phân định: máy tính, hay smartphone đến giờ này thực chất là giúp ích hay không giúp ích cho loài người? Biết chuyện quá khứ tương lai, biết chuyện thế giới siêu hình để rồi lo lắng, hay khiến người khác lo lắng, phiền não về một sự việc đã qua hay chưa tới thì cũng có ích gì hơn? Phật không có dạy để có được tuệ giác như vậy. Pháp của Phật là Tuệ giải thoát. Nhưng một số người lại mong muốn có được Tuệ giải thoát là một cái gì đó rất cao siêu, là sự chứng ngộ rất vi diệu. Để mà mong cầu, để mà hý luận với người khác. Nhưng sự thực, tuệ giải thoát rất đơn giản đó chính là hiểu biết về sự thật thế giới này là cảm thọ, có vị ngọt, có sự nguy hiểm của cảm thọ để mà xuất ly; hiểu biết như thật về Lý duyên khởi – 12 nhân duyên của thế gian để dừng lại các vô minh, duyên hành; hiểu biết về sự vô thường, vô chủ, vô sở hữu để mà không còn bị dính mắc, ràng buộc, hay chính là giải thoát khỏi các hoàn cảnh tới mình, các vấn đề đang xảy ra với mình và với nhân loại.

Bạn đi học với mục đích gì? Còn tôi, đi học để đạt được cả ba mục đích trên, hehe.

Hư không

Đã lâu rồi em không làm thơ
Không mộng mơ và vu vơ trước gió
Không mỉm cười trước từng ngọn cỏ
Không giật mình trước nhịp bước thời gian

Đã lâu rồi em không lan man
Kể về anh về em về câu chuyện xưa cũ
Kể về chuyện tình yêu ngàn năm bất hủ
Kể về những đợi chờ xuyên qua tháng năm

Đã lâu rồi em không băn khoăn
Anh hay là em người nào dừng bước
Anh hay là em người nào quên hẹn ước
Anh hay là em để trôi kí ức vô tình

Đã lâu rồi em lặng lẽ một mình
Bên trang kinh đọc những lời Phật dậy
Thế giới là cảm thọ vạn vật là vô thường
Cảm xúc nhớ thương cũng chỉ là tham ái

Gió đang thổi từng cơn tê tái
Nhưng cũng chỉ khẽ chạm…đến rồi đi
Cứ lắng sâu những ác pháp sẽ viễn ly
Chỉ còn là vắng lặng…chỉ còn là hư không

P/s: Thế gian cho rằng khổ là do cảnh, do không có tiền, không được yêu. Nhưng sự thực là gì?

Ghi nhớ

Có những giấc mơ đẹp, khiến khi tỉnh dậy tiếc nuối. Có những giấc mơ xấu, khiến khi tỉnh dậy sợ hãi. Nhưng giấc mơ tuyệt diệu nhất đó là trong mơ vẫn đi chia sẻ về Pháp của Đức Thế Tôn với những con người đặc biệt, những người là bạn, là thầy, thậm chí ẩn cư nơi núi rừng, thần thông biến hóa nhưng chưa tiếp cận và có cái nhìn đúng về Pháp của Phật thật. 😍😍😍

Những điều cần ghi nhớ:
– thế giới này là các thông tin cảm giác (cảm thọ) khi các giác quan (căn) tiếp xúc với (trần) gồm thế giới bên ngoài (sắc) và cả thông tin lưu trữ về thế giới (danh)

– vì chúng là thông tin cảm giác, không mời mà đến, không đuổi mà đi chỉ xuất hiện khi (căn) và (trần) tiếp xúc nhau nên chúng sinh lên rồi diệt ngay (vô thường), chúng không bị chi phối, không thuộc về ai, về đâu cả (vô chủ, vô sở hữu)

– không phải là ta Biết về vật hay về tâm (thấy bông hoa biết là bông hoa, hay ta thích là biết là thích…) – đó là cái Biết mà bậc Thánh hay phàm phu đều biết, mà là Tuệ Tri về cái thấy của thế giới là cảm thọ, Tuệ Tri về các cảm xúc trong tâm ta là các Tâm hành… Tuệ Tri theo lý duyên khởi. Liễu Tri theo Tứ thánh đế.

– 4 tầng thiền chỉ có sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền được Đức Phật nhắc đi nhắc lại trong Kinh điển và ngài mô tả rõ ràng. Sơ thiền là vẫn còn có Tầm có Tứ. Còn từ Nhị thiền là không Tầm không Tứ. Tất cả các khái niệm Thiền khác đều do đời sau thêm vào và chỉ dừng ở mức Có Tầm Có Tứ (tìm kiếm một đối tượng nào đó để chú tâm vào).

– có 2 lộ trình tâm rõ rệt như con đường 2 ngả: Lộ trình tâm thế gian là ngay khi (căn) tiếp xúc (trần) là nảy sinh chuỗi đối chiếu, so sánh, tổng hợp…theo tri trức, kinh nghiệm cá nhân để rồi tư duy, phán đoán đưa ra kết luận dựa trên cá nhân gồm Thích thì nhận vào (tham), Ghét thì đuổi ra (sân), và không thích không ghét thì tìm kiếm cái khác thay thế (si). Lộ trình tâm bậc thánh là lộ trình tâm Bát chánh đạo là ngay khi (căn) tiếp xúc (trần) phát sinh (cảm thọ) và vì hiểu đây là (cảm thọ) nên chỉ dừng ở tâm biết trực tiếp (tưởng) mà không nảy sinh bất cứ sự so sánh, đối chiếu, diễn dịch, quy nạp…nào.

– lộ trình tâm bậc thánh tóm tắt: căn 》《trần > thọ, tưởng > chánh niệm > chánh tinh tấn > chánh định (tại đây có tỉnh giác và Vô ngã) > chánh tư duy > chánh tri kiến (có Vô tướng) > (như lý tác ý) > chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Lộ trình tâm này không có (tham), (sân), (si) nên vắng mặt phiền não, khổ đau.

Pháp của Đức Như Lai thiết thực hiện tại là như vậy.

Không còn phiền não

Tại sao tôi vắng bặt suy nghĩ, không còn tự phiền não, khổ đau và tranh cãi

Vốn là người ưa thích tìm tòi, khám phá, bản thân tôi luôn đặt câu hỏi, luôn đi tìm tòi tới khi nào câu trả lời khiến cho mình thỏa mãn hoặc không thể trả lời được nữa thì thôi. Cùng với việc ưa thích học hỏi, kho tri thức và kinh nghiệm cũng dày lên mỗi ngày. Nhưng chính vì thế, khi đối diện với một sự vật, hiện tượng, cảm xúc (cảnh) tôi thường luôn tự hỏi, sao k thế này mà lại thế kia, sao lần này lại là thế này, sao là sao là sao…rồi tự tìm tòi trong kho tri thức, kinh nghiệm, tiêu chuẩn của mình để mà đối chiếu so sánh. Những gì sự vênh về cảnh với những gì tôi cho là vốn có của tôi khiến cho tôi phiền não, khổ đau và nhiều khi than trời, mệt mỏi. Thậm chí dẫn tới những sự đấu tranh, dằn vặt, giằng xé nơi nội tâm. Hẳn đó cũng là điều nhiều người đang trải qua, tùy mức độ.

Rồi đến một ngày học Phật, tất cả như vỡ òa khi biết Phật không giác ngộ về cảnh về giới vật chất mà giác ngộ về Tâm – về thế giới cảm giác.

Mắt tiếp xúc hình ảnh: cảm giác hình ảnh
Tai tiếp xúc âm thanh: cảm giác âm thanh
Mũi tiếp xúc hương: cảm giác mùi
Lưỡi tiếp xúc vị: cảm giác vị
Thân tiếp xúc xúc: cảm giác xúc chạm
Ý tiếp xúc pháp (thông tin lưu trữ): cảm giác pháp

Hóa ra, nói một cách khoa học, đầy đủ dài dòng nhưng dễ hiểu là tất cả đều do tế bào thần kinh mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não khi tiếp xúc với sóng/năng lượng từ các thứ như hình ảnh,âm thanh, hương, vị, xúc, pháp tạo ra một thứ thông tin được ghi nhận lại được gọi là chung Tưởng, hay nhận biết trực tiếp hay trực giác.

Chúng đơn giản chỉ là một thứ thông tin được tương tác, hay cảm giác được ghi nhận lại. Tại sao nó là cảm giác dù rõ ràng là có một hình ảnh, âm thanh… thực tế tại đó. Nếu nó là thường hằng bất biến, thì dù vật đó để gần hay để xa mắt, tai đều có thể nhìn, nghe giống nhau nhưng gần thì cảm giác to, xa cảm giác bé, nhỏ…

Sự thật thứ nhất này đã giúp tôi không còn tranh cãi với mọi người nữa. Vì ngay chính với cá nhân tôi thôi, một cái chớp mắt, cảm giác hình ảnh trước và sau đã không giống nhau, chỉ cần replay lại một bài hát cảm giác âm thanh trước và sau đã không giống nhau,… Vậy thì tại sao lại bắt người khác có cảm giác giống mình được, khi chính mình thôi, trong một tích tắc đã có những sự biến chuyển cảm giác khác nhau.

Cũng nhờ sự thật thứ nhất này – Vô thường của cảm giác, tôi thực hành được sự vô chủ, vô sở hữu hay vô ngã của nó. Nó sinh lên rồi diệt đi chỉ trong tích tắc ngay tức khắc khi mắt tiếp xúc hình ảnh, tai nghe âm thanh… Nó có mặt luôn đó, chẳng mời mà đến, cũng chẳng đuổi mà đi. Đó là sự thật thứ hai.

Nhưng vì sao sự kinh nghiệm về sự thật thứ hai này khiến tôi tránh được phiền não, khổ đau? Đó là vì ngay khi thông tin cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh…được khởi lên đó, phải thân chứng hay tự kinh nghiệm được sự vô thường, vô chủ, vô sở hữu của nó. Để mà không diễn tiến tiếp quá trình đối chiếu các cảm giác vừa ghi nhận được với các thông tin, trải nghiệm, tri thức, văn hóa, tiêu chuẩn xã hội, cá nhân…được lưu trữ trong kho chứa của não bộ vốn có sẵn.

Vì mỗi chúng ta, đều đã kinh nghiệm được rằng: ai đó đúng ý ta, ta thích (tham); ai đó trái ý ta, ta ghét (sân); ai đó khiến ta không thích, không ghét thì ta bình thường, nhưng bản thân ta lại khởi lên tìm một ai đó thay thế để thỏa mãn một cái thích gì đó ẩn sâu (si). Chính vì lẽ đó, khi một thông tin cảm giác được ghi nhận, chúng lập tức kích hoạt bộ nhớ như là đưa khuân mặt tên tội phạm vào máy tính để tìm kiếm sự matching. Và hiển nhiên sẽ xảy ra 1 trong trong 3 trường hợp trên: thích, ghét hay tìm kiếm tiếp.

Cốt lõi vấn đề, là khi hiểu và công nhận sự đúng đắn của thế giới mà chúng ta biết, những gì mà ta biết chỉ đơn thuần là thông tin cảm giác, chúng vô thường, vô chủ, vô sở hữu thì nó chính là tiền đề cho một loạt các sự vắng bặt các câu hỏi, các tìm tòi, các đối chiếu, các so sánh, các tìm cầu,…về sau.

Lúc đầu cũng hơi buồn vì hóa ra bấy lâu nay, sự thực này tất cả chỉ là ảo, như một cái bong bóng xà phòng nhiệm màu, giờ ai đó châm cho 1 cây kim – òa, vỡ. Nhưng rồi, buồn cũng chỉ là cảm giác, nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu và nó lại vắng bặt nơi tâm của tôi.

Dạy online?

– Gửi cho tôi cái profile cá nhân, tôi giới thiệu bà cho đơn vị đào tạo mkt này.
– Tôi không có profile nào cả, hehe.
– Kinh nghiệm cá nhân, thành công trong kinh doanh, cuộc sống?
– Học 1 lèo hết cao học, học xong ra làm GĐ nên k có kinh nghiệm cá nhân nào ông ạ. Kinh doanh thì mải đi thiền nên thành công trong kinh doanh cũng không có. Cuộc sống với tôi thì bình yên nên cũng không biết lấy cái gì làm thành tích.
– Không thì bà cứ vẽ ra, để cho học viên họ thích thôi mà.

Thực ra, chúng ta luôn giữ một tri kiến: người đó phải có cái gì hơn tôi, thì tôi mới học từ người đó. Nên ngay từ đầu, ai tham gia các buổi đào tạo đều thấy chung 1 kịch bản, các trainer sẽ kể về tiểu sử của họ, đã vượt qua sóng gió như thế nào, khổ ải ra sao, nợ nần…v.v..và giờ thì họ cái a,b,c hay x,y,z…gì gì đó. Nên giờ là cách vượt khó, thành công đó sẽ chia sẻ cho ace, và ace cứ áp dụng đi, không được kết quả như vậy thì sẽ gần như vậy.

Bản thân tôi là người đi học rất nhiều, và cũng đã áp dùng nhiều phương pháp được chia sẻ như vậy và cũng gọi là được phần nào kết quả như họ chia sẻ. Nên thực sự, tôi rất tri ân điều này. Tôi không cho nó là sai hay xấu. Mà là tôi đang nói về cách tiếp cận của các học viên. Rất nhiều người đi sau khi học xong, bảo: ôi dào, phải như vậy mới làm được thế chứ… Hay: mình có giống thế đâu, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một cơ địa… Có khi, học viên áp dụng một thời gian, chưa ok, thế là lại lao đi học phương pháp khác, rồi lại về, lại áp dụng nửa vời… và cứ như con rối chạy hết khóa nọ khóa kia mà chẳng ra sao.

Tôi mới từ từ giải thích với cậu bạn:
– Tớ không tạo ra một hình tượng để học viên nhìn vào, tâm thức họ tưởng tượng rồi đến lúc họ thấy không như họ nghĩ, họ sẽ down tinh thần, đóng não và thôi, khỏi học.

– Tớ cũng không vẽ cho họ một viễn cảnh để họ bám vào viễn cảnh đó, phóng chiếu tâm thức tới đó, để họ hy vọng, rồi họ làm trong hy vọng, làm trong tưởng, và rồi con người ta thiếu kiên nhẫn, không đợi được, hoặc không làm được, thành ra thất vọng.

– Mỗi người cần tự biết điểm mạnh của mình là gì. Không phải cứ sử dụng sinh trắc vân tay mà ok, vì như tớ 8 trí thông minh có chỉ số gần bằng nhau thì biết chọn cái nào. Tự biết điểm mạnh là phải tự lắng nghe vào bên trong của mình, ngừng ảo tưởng sức mạnh cá nhân, ngừng vọng tưởng về một viễn cảnh tương lai. Việc quan trọng ở đây, ngay bây giờ là khi làm mình biết mình đang làm gì, làm tốt nó một cách trọn vẹn. Các phương pháp, thao tác, kỹ thuật thì chỉ có ngần đó thôi. Thất bại là do mình không đi tới nơi về tới chốn.

– Công việc mkt là cầu nối giữa sản phẩm và khách hàng, mà cái cầu đó vẫn chứa đựng nhiều phiền não, khổ đau, thì hỏi cây cầu đó có bền vững được không. Người làm mkt không những phải có một tâm thái vui tươi để như hương thơm làm cầu cho khách hàng tới sản phẩm, mà còn để chính mình không bị chán nản làm dừng giữa đường khi mình tỏa hương mà khách hàng chưa kịp tới.

Mà thôi, muốn có một lối sống chánh đạo, ngừng phóng dật ra bên ngoài, chấm dứt ưu phiền, buồn chán, cứ tham gia một khóa tu thiền 9 ngày với thầy tớ đã. Khi đã được trang bị một cái nhìn sự thật về thế giới này, khi thân chứng được các cảm thọ này, sau đó duy trì đều đặn mỗi ngày 30p thiền thôi thì các kỹ thuật mkt có gì khó đâu chứ.

Tôi không khẳng định bạn sẽ thành công, nhiều tiền nọ kia, nhưng tôi chắc chắn, ngay tại đây bạn đã chấm dứt được ưu phiền, khổ đau là sự cản trở bạn trên bước đường thành công.

Content muối vừng đại gia

Đời nhiều khi đúng là quá duyên cơ.

Xưa, 2 vợ chồng lấy nhau qua quen Blog Yahoo, nghèo kiết xác, chịu mãi không được, đành mở công ty. 2 đứa vốn làm khoa học địa chính, có biết tí nội thất nào đâu, định mở 1 blog bán đồ gỗ giá rẻ của Thạch Thất thôi – do lần đi tìm đồ cưới thấy rẻ quá trời, ai dè có cậu em động viên lập hẳn thành công ty nội thất. Chẳng vốn liếng, chẳng chuyên môn, có mỗi chuyên môn chém gió ngày xưa tán nhau qua Yahoo thế là áp dụng, thế mà cũng khởi nghiệp ra gì.

Rồi lại tới vụ ăn chay lo thiếu chất, thế là nhà có mấy loại hạt, đem giã cho vào #muối_vừng hết. Ai dè ngon quá cơ. Bạn làm ăn thử, rồi mọi người xin ăn thử, ai cũng khen ngon, thích, umbala… Thế là nhân tiện nhà làm luôn chia sẻ cho mọi người, bảo là bán đó, nhưng chỉ là có công làm lãi cho 2 bố mẹ già có việc để làm vui vẻ. Ấy vậy mà có 3 hôm, cả trăm lọ vừng đã cất cánh khắp nơi. Phải nói là không tin nổi í.

Em tự tin là muối vừng ngon sạch, đảm bảo, an toàn, nên thậm chí cũng k câu nệ cả vụ nhãn mác gì luôn. Nên anh chị em ăn xong lỡ có quên sdt, hay fb thì cứ nhớ gõ #muối_vừng_đại_gia là OK.

Kể ra, nhờ có vụ muối vừng này, em được gặp lại bao nhiêu ace bạn bè, được đi lại những con phố vào ngày nghỉ nắng đẹp thế này cũng thật thích ý. 😍😍

Tình yêu dưới con mắt Bát chánh đạo

Nếu không biết yêu từ sâu thẳm tâm hồn mình, hay từ con mắt của Bát chánh đạo, bạn không thể hiểu tình yêu vô điều kiện là gì. Đa số, sẽ cho rằng, tình yêu vô điều kiện là không màng gia cảnh, tuổi tác, tiền bạc, mối quan hệ thậm chí cả giới tính. Chúng ta cho rằng chỉ cần bỏ qua cái đó và lao tới nhau là vô điều kiện. Nhưng mà chúng ta quên mất là còn một điều kiện: đó chính là cảm giác yêu của mỗi người. Nếu không được gặp, được thấy, được bên nhau thì chúng ta dùng từ – nhớ đến phát điên, không chịu được. Và chính vì điều này, khi bị ngăn cấm, bị chia cách mà dẫn tới đau khổ tột cùng, thậm chí sinh tử.

Vậy thế nào là một tình yêu vô điều kiện và có được một tình yêu vô điều kiện?

Hãy bắt đầu từ những người nghệ sĩ là những người họ cảm được nhiều và có thể nói là sâu sắc nhất. Họ dễ dàng yêu, không phải vì họ dễ dãi mà họ dễ chạm được vào cái thuần khiết bên trong vạn vật. Họ thấy, họ rung động cùng những điều đó. Nhưng sao họ vẫn khổ khi họ đã chạm được vào cái như là. Đó là vì họ đã không để cái như là là mãi mãi, họ đã nhốt nó vào một cách diễn giải khác. Người họa sĩ nhốt chạm vào tranh. Người nhạc sĩ nhốt chạm vào nhạc. Người thi sĩ nhốt chạm vào thơ.

Nhốt ở đây không phải là cho vào trong đóng kín lại, mà là khoác nó lên một cái vỏ, vào một sắc tướng, làm cho nó có hình hài. Cái giờ phút những cái chạm kia có hình hài, nó đã không còn là nó. Và vì có hình hài, nó lại sinh diễn theo lối của tâm trí gây tạo cho nó. Có sinh ra, có đụng chạm, có bệnh tật, và có cả chết đi.

Người nghệ sĩ nhận rất rõ, rất nhanh và rất nhiều cái chạm, nhưng lại nhanh chóng bị các sắc tướng bủa vây, lao trong vòng xoáy sinh diệt. Và họ càng chạm, họ càng đau khổ. Họ càng yêu họ càng đau khổ. Hãy quan sát tất cả những người nghệ sĩ bạn biết, họ đều có điểm giống nhau như vậy.

Tôi chỉ ra cho bạn thấy không phải chỉ chạm ngay phút giây đầu là đủ. Bạn phải chạm liên tục nhưng cũng phải dừng lại liên tục. Chạm để cảm nhưng dừng cái sinh diệt đang diễn ra trong đầu của chính bạn.

Sau khi những hạt mầm “chạm” được gieo lên mảnh đất tâm hồn của bạn. Thì tiếp theo bạn hãy để cho tình yêu thuần khiết vô điều kiện được nảy nở trên mảnh đất tâm hồn của bạn. Và với tất cả sự bỏ qua về thật giả, về định kiến, về tư duy, về lý trí, về ngôn từ, về màu sắc, về giai điệu… Bạn cần phải bỏ qua tất cả chúng để tâm hồn bạn được thuần khiết. Bạn cần biết bạn thật là trong sáng, thuần khiết và tình yêu trong sáng thuần khiết sẽ nảy nở.

Có một điều rất hay sẽ xảy ra, khi tình yêu nảy mầm trong con người bạn, thì bạn chính là tình yêu. Khi bạn là tình yêu, lúc nào bạn cũng cảm thấy như mùa xuân đang ở trong mình. Khuân mặt bạn rạng ngời và xinh đẹp như hoa. Ai, cái gì, con gì,.. bạn gặp bạn cũng đều thấy yêu, yêu lắm luôn. Bạn cảm tưởng như bạn có thể làm tình với tất thảy. Cái làm tình này không phải là cái làm tình thể xác mà là sự giao hòa của hai linh hồn – linh hồn của bạn và vạn vật.

(Khi tình yêu trong bạn tràn ra, bạn có thể kết nối với mọi thứ và mọi thứ muốn kết nối với bạn vì tình yêu đó là trong sáng, là thuần khiết là năng lượng dương làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ và nảy nở. Nhưng bạn lại chẳng hề có nhu cầu làm tình xác thịt vì bạn quá đầy đủ. Còn người làm tình khi thiếu hụt tình yêu là họ thấy trống vắng, mênh mông, và chẳng rõ cái gì đang diễn ra trong họ, họ cần một thời khoảng không gian và thời gian mà ở đó chẳng có gì diễn họa. Đó chính là giây phút cực khoái để họ tìm về cái mênh mang, mênh mông ấy. )

Cái cảm giác yêu, được yêu tồn tại ngoài sự thiếu hụt trong chính nội tại tâm hồn của bạn, thì còn do sự không hiểu biết như thật rằng sự thiếu hụt, hay sự được lấp đầy từ cảm xúc của người khác nó chỉ là các cảm giác, nó là ảo tưởng do chính bạn thêu dệt nên. Vì nó không phải là chính ta, nên khi người kia vắng mặt, cảm giác vắng mặt dẫn tới ta thấy nhớ mong, đau khổ. Để cho tình yêu vô điều kiện nảy nở tròn vẹn, vươn cành đâm chồi, lan tỏa trong bạn, thì bạn cần thấu hiểu sâu sắc điều này. Dẫn tới bạn còn không còn nhu cầu đi tìm tình yêu (cảm giác tình yêu) từ bên ngoài như cảnh vật hay người khác nữa. Bạn quay về bên trong, dưỡng trưởng tâm hồn mình, dưỡng trưởng sự hiểu biết sự thật về tình yêu.

Ai đó nói tu thiền là vô cảm, thì cần đọc kỹ bài viết này để hình dung về tình yêu thật hay tình yêu vô điều kiện. Còn để trải nghiệm có thể tham gia khóa thiền 10 ngày cùng Moon để gieo mầm và dưỡng trưởng tình yêu thật sự bên trong bạn.