Cách sống

Nếu bạn thấy đó không phải là cách sống của mình, không phải là các mối quan hệ mình cần thiết lập, duy trì và phát triển, nhưng vì kinh doanh, vì để bán hàng, bạn vẫn bỏ qua những thứ đi ngược với tâm thức của bạn và cho rằng cần bỏ cái tôi qua sang một bên để làm việc.

Cái tôi khác, quy chuẩn khác, trí tuệ khác và tâm thức cũng khác. Dù là ở đây có phân biệt đấy, nhưng bạn cứ thử xem. Bạn làm mà vô cùng mệt mỏi và phải đeo mặt nạ cho mình để làm việc thì làm làm gì.

Và các thứ làm khác với tâm mình hay tự nhiên có thể được gọi là “phan duyên”. Nó chỉ khiến bạn tiêu tốn rất nhiều thứ bạn có, bao gồm cả tinh lực, trí lực, tài lực và thời gian.

Không tin cứ nghiệm mà xem.

Mình thì đến cả bán hàng mà cảm thấy khách đó không ok cũng ứ có bán cho.

Đời ngắn lắm và thật không cần phung phí cho những thứ mình biết rõ là do tâm tham của mình đang cố gắng tạo nên, hoặc là biết rõ nó đi ngược với tâm mình.

🤣🤣hệ thích ngửa cổ uống trà ngắm hoa kể ra cũng mệt

Cứ bình tâm

Đây là bề ngoài của tôi.

Nhưng trong zalo thì các tin nhắn kiểu như:

– chị ơi, khách này cần tư vấn thi công trước, chị xem bản vẽ và nhắn khách nhé

– chị ơi, nhà thầu này đòi đàm phán giá, chị xem cân đối được không

– chị ơi, nhà cung cấp bán phá giá cho khách nhà mình

chị ơi, bên thuế gọi

– chị ơi, …

– chị ơi, …

Chị vẫn đang ngồi pha trà, cứ chờ đã nhé.

😍

Nếu chạy theo công việc, có lẽ sẽ quay cuồng trong đống công việc, với các dự án cạnh tranh, giành giật các hợp đồng với các con số không nhỏ. Nhưng một ngụm trà thôi, tự dưng thấy các vấn đề trên chẳng còn gì to tát nữa.

Các thông tin trên, nếu xử lý ngay có thể sẽ hấp tấp, hoặc nếu không chậm một nhịp tâm sẽ bị cuốn vào các thái độ hằn học.

Trà quý là ở chỗ đó.

Bình tâm. Không gì phải vội. Đâu khác có đó.

Giáo điều

Giáo điều🥰

Mình còn nhớ xưa có lần con hỏi về một câu tiếng Anh, mình đã trả lời:

– con cảm thấy thế nào là đúng và tự nghĩ xem tại sao mình chọn phương án đó.

Ba đang phòng bên nghe thế: – tiếng Anh có đúng sai, đâu phải thơ thẩn mà có cảm giác

Mẹ nói thêm một chút: theo mẹ, con cần tự suy nghĩ ra chịu trách nhiệm với các quyết định của mình, nếu đúng thì tốt, nếu sai, mai con hỏi cô giải thích tại sao nhé.

🍀

Trong bữa cơm do con gái nấu:

Ba: – canh này nhiều mỡ này, lần sau con cho ít mỡ đi

Mẹ: – con ăn cảm thấy thế nào, sau con tự điều chỉnh theo cảm giác của con để con thấy ngon với con, con ăn ngon mọi người sẽ thấy ngon. Con khi nấu ăn có trách nhiệm nấu ngon nhất để không phụ lòng người nuôi trồng. Còn ba mẹ và em Cò có trách nhiệm ăn hết thức ăn con nấu nhưng nếu ngon thì vẫn thích hơn, nhưng không ngon vẫn ăn hết để không phụ lòng người nấu.

🍀
🍀

Chiều nay, trong một buổi pha trà, một người em đã pha trà theo cách dùng nước thật sôi, tất cả mọi người ở đó đều hỏi, tại sao và thắc mắc trong khi nước pha bình thường chỉ 90 độ với Oolong.

Cậu ấy trả lời: – em thấy thích pha như vậy

Mình đã nói: – thực ra trong buổi tiệc trà ngoài việc pha theo đại đa số uống được thì còn một ý nghĩa rất quan trọng của người pha trà, hay người nấu ăn, hay người chế biến khác nói chung đó là đưa mọi sự về cân bằng.

Tiếp, mỗi người có một trường năng lượng riêng, nhưng đa số đang bất an, tổn thương, người pha trà là người sẽ đưa họ về sự lắng đọng trong từng ngụm trà, không bắt họ theo sở thích của mình cũng không để họ trôi theo sở thích mà họ cho là của họ. Sở thích chỉ là biểu hiện của sự thiếu hụt mà thôi.

Quan trọng khác, trà rất quý, từ những đọt trà non, tinh túy của cây trà, của đất trời mình sẽ pha để người uống sẽ uống hết và muốn uống không bỏ lại ngụm nào.

🍀
🍀
🍀

🤔🤔không biết mình có giáo điều quá không nhưng mà trà mình pha dạo này lên tay🤣🤣

Cưới

Có vợ chồng nhà nào con cái lớn tướng rồi vẫn thích block facebook của nhau không 🤣. Cơ mà cứ chí chóe như trẻ con nhưng bảo bỏ thì không chịu.

Vợ: – nếu có cho chọn lại, anh có lấy em không?

Chồng: – không, sợ lắm rồi.

Vợ: – thế anh không hỏi ngược lại à?

Chồng: – không cần hỏi.

Vợ: – tại sao?

Chồng: – vì chẳng ai dám cưới em đâu.

🤣
🤣

Đa số chúng ta sẽ rất khó chịu với thói hư tật xấu của ai đó, và coi đó là lý do trong việc gắn kết hay duy trì một mối quan hệ.

Nhưng có người, dù bạn như thế nào, người đó vẫn coi đó là con người bạn, chấp nhận con người bạn hoàn toàn như chính bạn, vì bạn là bạn.

Yêu thương hay ghét bỏ đơn giản lắm. Nhưng có thể bỏ qua mọi lỗi lầm mà bên cạnh nhau một cách bình thản thì không gọi là Duyên Phận nữa – mà phải gọi là Giác ngộ trong Tình yêu.

Đồng cảm

Tôi có thể ru bạn bằng những lời ngọt ngào

Hoặc những tách trà thơm nóng hổi

Bạn có thể dịu dàng, an yên trong giây lát

Đắm chìm mình lơ đãng những ngày đông

Nhưng tôi không thể cảm nhận hay thấy thay bạn được

Những dòng chảy đang khơi lên trong bạn

Những thổn thức

Những nỗi đau

Hay cả những vui sướng, hân hoan

Hãy lắng nghe chúng trong mình

Nếu có thể … hãy chạm vào

Và để chúng lướt qua

Dù chúng có đâm chồi, hay nở hoa

Rồi chúng cũng sẽ tới hồi rụng xuống

Yêu thương hay đau khổ

Cũng chỉ là những mạch ngầm đang chảy

Bạn có thể là người khơi dòng

Và cũng có thể là người đứng ngắm nhìn hay đón nhận nơi cuối dòng.

Bạn biết gì?

Hôm qua trời còn nắng (lắng)

Hôm nay bỗng có gió ?

Mượn từ đồng âm nắng – lắng để chỉ hai trạng thái thời tiết qua và nay cũng như hai trạng thái tâm qua và nay. Chúng ta sẽ rất hay băn khoăn tự hỏi sao lại như thế này, sao lại như thế kia, sao giờ lại thế, tưởng là thế này, tưởng là thế kia cơ mà… ?

bao giờ, ai đó cầm một quả hồng trên tay mà biết mình cầm quả hồng trên tay không?

Rất nhiều người sẽ nói: tôi biết tôi đang cầm quả hồng trên tay, tôi đang sống với giây phút hiện tại ngay bây giờ và tại đây.

Nhưng… sau câu nói trên là gì… Sẽ là một loạt diễn thuyết về quả hồng, về bàn tay, về nhìn quả hồng sẽ thấy nọ thấy kia…

Câu “Đường dài mới biết ngựa hay” nó không đúng lắm ở hoàn cảnh này, song cái sự việc ngay bây giờ và tại đây nó hiện ra trong nhấp nháy cũng có thể được ví là “ngựa non háu đá”. Bạn có thể hiểu và từng trải nghiệm 1 khoảng khắc nào đó ngay bây giờ và tại đây, nhưng bạn không thể duy trì, không thể xuyên suốt, hay bình thường gọi là sống với nó hoặc Phật học gọi là “nội tĩnh nhất tâm”.

2 năm tôi làm quán trà đạo, rất nhiều luồng tư tưởng, tri kiến đến và chia sẻ về quán, nói chuyện ở quán. Gần như ai cũng nói rất hay nhưng họ đều vướng phải điều trên. Nguy hiểm hơn, họ thao thao bất tuyệt đến mức mà không biết người nghe có nghe và tương tác được những gì họ nói không? (Mình dùng từ tương tác để chỉ mức độ nhẹ chứ không dùng từ hiểu hay tiêu hóa được).

Khi chúng ta nói chuyện, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái “tiêu chảy tâm trí”, nói một cách như tháo cống và không thể kiểm soát, không nghe được mình nói. Khi không nghe được chính mình, vậy người khác có nghe được bạn?

Tôi có học Phật nhưng không tôn sùng đạo Phật. Nhưng đề cao các giá trị khoa học, tâm lý mà Phật học đem lại. Ít nhất là trong những trường hợp như trên.

Phật nói: hãy chánh niệm nơi 4 xứ: thân thọ tâm pháp. Bạn đã hiểu 4 xứ này là gì chưa? Hay mới chỉ nghe về tôi ăn tôi biết ăn, tôi đi tôi biết đi, làm gì biết làm gì. Đó là những cái thô sơ nhất và dễ dàng rơi vào cái biết của ý thức.

Bạn đối diện một sự việc hiện tượng, bạn biết về sự vật hiện tượng đó, nhưng bạn biết về tâm mình đang như thế nào không? Bạn đọc tới đây, có bao nhiêu suy nghĩ đang khởi lên trong bạn:

– con này hâm

– toàn viết linh tinh

– viết khá đấy

– uh, có vẻ hợp lý nhỉ

– ơ, nó đọc vị được mình à…

Ngay như chính tôi, đang viết đến đây, nếu tâm tôi đang tự hỏi: bạn có đóng bài không đọc, bạn có like, bạn có còm… là đều có một cái tâm đang xuất hiện, nó không đơn giản là mong cầu, nó mong đồng tình, nó mong tán thán, cổ vũ, xiển dương…

Nên như bài trước tôi đã viết, cái bạn để ý, không phải là chỉ quả hồng cầm trên tay, bạn hãy thử quan sát xem, mình có muốn ăn nó, muốn đem nó trưng bày cho đẹp, muốn để dành nó cho người mình thương, hay thậm chí đầy nghi vấn “hồng này có sạch không?”…

Và xa hơn, bạn có để ý, cầm một quả đầu, cái suy nghĩ đẹp nó xuất hiện, hai quả có thể vẫn muốn xuất hiện… nhưng sau suy nghĩ đó nó không xuất hiện nữa… Nó có mất đi không hay nó chuyển hóa không? Nó chỉ đơn giản đã xuất hiện và mất đi. Như hôm qua trời còn nắng, hôm nay bỗng có gió… Không chỉ các sự vật hiện tượng cứ đến đi, mà các trạng thái tâm mình cũng cứ đến đi như vậy đấy.

Chỉ là khi nó đến đừng vội vui mừng, cuống quýt hay sợ hãi, và khi nó đi cũng đừng vội sợ hãi, cuống quýt hay vui mừng… Duy trì sự nhận biết liên tục nơi đối tượng sự việc và các nội xúc, nội tâm nơi mình… Thế là đủ.

P.s: Hãy tạm gác các khái niệm: yêu thương tất thảy, vạn pháp bình đẳng, tất cả trong một, một trong tất cả… sang một bên. Trung thực nhìn thẳng vào tâm, trí mình… Trung thực thừa nhận đang có thiện, bất thiện gì nổi lên.

Hãy khéo léo nhận ra tư tưởng nào đưa mình đến hành động, ăn nói, việc làm như vậy.

Hãy khéo léo nhận ra từng lúc bản ngã mình nó muốn đồng tình, tán thán, xiển dương, ghi nhận… như thế nào.

Định vị thương hiệu

“Định vị Thương hiệu”

Định – xác định, định nghĩa, kiên định, yên định, có định lực

Vị – giá trị văn hóa, giá trị cốt lõi

Bạn có dám giữ vững và kiên trì với các “vị” mình đã xác định ngay từ đầu khi xác định không?

Đừng đổ lỗi cho cơm áo gạo tiền khiến bạn tặc lưỡi. Chỉ là bạn không dám đối diện với các khó khăn và thử thách sẽ đến khi bạn bước đi trên con đường đúng đắn mà bạn đã chọn.

Những giá trị của bản thân, của sản phẩm, của doanh nghiệp bạn không giữ vững được thì sao có thứ gọi là Thương hiệu (dù là thương hiệu cá nhân hay thương hiệu doanh nghiệp).

Hãy ngừng đổ lỗi, lo sợ và nhảy tưng tưng từ vị này sang vị kia bạn sẽ khám phá được thành quả của “vị” đem lại.

Dù là với bất cứ việc gì đi nữa: không có kiên trì, kiên định không thể tới đích.

P.s: Vô Tứ trà được xây dựng từ những thành viên đã xác định được giá trị thương hiệu cá nhân và sản phẩm của Vô Tứ trà vẫn đang từng ngày khẳng định sự vững chắc của sản phẩm có “định vị”.

Ngay bây giờ và tại đây

💥Ngay bây giờ và tại đây, không phải là ngay thời gian, thời điểm hiện tại, với môi trường và hoàn cảnh đang có bạn thấy hài lòng với nó là bạn “ngay bây giờ và tại đây”.

Vì bạn vẫn còn hướng ra bên ngoài, nên khi nói đến “ngay bây giờ và ở đây”, bạn nghĩ đến thời gian và không gian mà bạn đang hiện diện, có mặt, có được; bạn đang nghĩ tới những mối quan hệ, những thứ xung quanh bạn có được; bạn đang nghĩ tới hoàn cảnh bạn có được…

🍀Ngay bây giờ và ở đây cũng không phải là trạng thái tâm hay cảm xúc của bạn với thế giới bên ngoài theo kiểu bạn có cái xe mới bạn vui, bạn thất nghiệp bạn buồn.

🍀Nó không phải bạn đang chìm vào một trạng thái thiền định nào đó hay bạn thấy rỗng không ở đó.

🍀Nó không phải là những dòng suy nghĩ miên man của về một vấn đề nào đó, ai đó, công việc,…

🍀Nó cũng không phải là cái gọi là thế giới bên trong, theo như cách bạn nghĩ không phải bên ngoài thì bên trong, kiểu các nội tâm, cảm xúc, nhân sinh quan, lối sống… cá nhân bạn.

🤩Vậy ngay bây giờ và tại đây là gì? Là những thời khắc đang sinh lên và diệt đi ngay 6 giác quan của bạn. Và bạn nhận biết nó. Nhận biết các đối tượng vào ra, nhận biết trạng thái thân thọ tâm pháp (có thể gọi tóm tắt là thân tâm) của mình ngay khi các đối tượng đang diễn ra nơi 6 giác quan đó.

Chỉ khi bạn biết điều gì xảy ra nơi 6 giác quan của mình – đó mới là ngay bây giờ và tại đây. (Như tôi đang bấm những dòng này – nếu tôi trôi dạt theo suy nghĩ miên man tìm cách giải thích về cụm từ này cho các bạn, tôi mất đi cái gọi là ngay bây giờ và tại đây, nhưng tôi vẫn thấy rõ những nốt chạm phím ngón cái vào màn hình điện thoại, thấy tâm tôi nghĩ viết xong bảo không biết nếu bạn đọc chỗ này có hiểu hay tán thán tôi không. 😆)

5 giác quan thuộc thân thì dễ thấy

Còn ý căn thì khó lắm đấy

Nếu băn khoăn hãy tìm một người có thể chỉ dẫn cho mình bạn nhé.

Lối

Khi trà thành lối uống

Trà thay nước hàng ngày

Khi thiền thành lối sống

Lưng cong tự thẳng ngay

Khi an là lối thở

Hỷ lạc một trời mây