Lời tri ân thực sự dành cho bậc đạo sư!


Học và hành đó là hai từ luôn được đi song song. Chính vì vậy, rất nhiều lớp kĩ năng tôi tham gia, thường là học viên được nêu tên đã có sự thay đổi tiến bộ rõ rệt sau các khóa học. Tại sao lại thế? Đơn giản đó chính là lời, hay việc tôi tri ân những người đã từng chỉ dạy cho mình.
Lời tri ân con dành cho những người thầy của mình là với tri thức được trao truyền, với điều kiện thực hành của mình, con sẽ làm sao trọn vẹn với từng lời thầy giảng. Vì con hiểu những điều sau. Một người thầy thực sự không phải là mong rằng học trò của mình đứng trên cao bắc loa nói rằng: cái này tốt lắm, tới đây học đi. Một người thầy thực sự cũng không mong rằng học trò của mình đem những lời giảng dạy của mình đi khắp nơi, nhưng chính người học trò đó lại không thực sự nghiêm túc với việc thực hành. Một người thầy thực sự, sẽ mong muốn được nhìn thấy những người học trò của mình trưởng thành, thay đổi qua những lời dạy của họ. Một người thầy thực sự, sẽ mong muốn người học trò của mình sẽ luôn giữ vững tâm đạo, không chùn bước trước bất kể khó khăn nào cả về ngoại cảnh lẫn nội tâm. Và người thầy sẽ luôn đứng đó, chỉ dẫn từng bước cho học trò của mình bước qua.
Mỗi người thầy đã trao cho con một chiếc chìa khóa, đi qua những cánh cửa mà cuộc đời đang tạo ra. Nếu bạn hiểu, cuộc sống đang tạo ra cho bạn rất nhiều căn phòng cần khám phá, mỗi căn phòng chứa đựng một điều bí mật của nó, thì mỗi người thầy với phương pháp của họ sẽ giúp bạn có thể mở cửa một căn phòng với điều bí mật ở trong. Cần thấy rõ chìa khóa này thì mở cửa cho điều này, chìa khóa kia mở cửa cho điều kia, thì bạn sẽ không bị “râu ông nọ cắm cằm bà kia” – phương pháp này giải quyết cho vấn đề nọ. Cũng đừng mơ mộng một chiếc chìa khóa vạn năng mở ra mọi cách cửa thần kì tuyệt diệu cho cuộc sống. Nhưng nếu bạn hiểu, có một chiếc chìa khóa, không mở cánh cửa nào của thế gian hết. Nó làm cho tất cả các căn phòng kia, cũng như các điều bí mật trong đó bạn không còn muốn khám phá nữa. Vì ngay tại đây, nó chính là bí mật – sự thật thực tại là các Cảm thọ, do Căn – Trần tiếp xúc mà sinh ra, nó vô thường, vô ngã mà không thể nắm giữ hay cố gắng buông bỏ.
Một lần nữa, chưa bao giờ con thôi tri ân những lời giảng dạy của các bậc đạo sư dành cho mình. Lời tri ân đó có mặt trong từng sự chú tâm ghi nhận nơi căn trần tiếp xúc, hay là trong từng hành động, lời ăn tiếng nói của mình. Để bất kể ai cũng thấy được, đó là học trò đã từng học, từng hành phương pháp như vậy để có được sự đúng đắn, thay đổi, tiến bộ như vậy.

Cõi ta bà

Cõi ta bà cứ ngỡ rất diệu hoa
Nhặt chiếc lá vàng rơi tưởng như là cả khung trời trong mắt
Một ngọn gió thổi qua tưởng như là ngàn lời ca đang hát
Có kịp nhận ra điều gì vừa đến vừa đi?


Cõi ta bà cứ ngỡ chỉ khổ đau
Nhìn giọt sương đậu trên búp non lo ngày mai nắng cháy
Nhìn áng mây trôi vương nỗi nhớ níu thời gian dừng lại
Có kịp nhận ra điều gì đang an trú nơi đây?


Cõi ta bà cứ ngỡ chỉ vậy thôi
Kẻ đến kẻ đi vui buồn qua ngày ngày tháng tháng
Kẻ hững hờ, kẻ lần mò lạc lối, hoang mang
Nhưng cũng có kẻ … chỉ thế thôi…
đứng mỉm cười nhìn nhân gian …
lặng ngắm cõi ta bà,
người người đang bước qua,
đang đến và ra đi rất nhẹ nhàng

Rác

Chỉ khi nhận ra nhà mình đầy rác, bạn sẽ không có nhu cầu khuyên người khác phải dọn nhà ntnay hay ntkia, cũng không có nhu cầu “giúp” người khác trang trí ngôi nhà của họ, cũng như không có nhu cầu hý luận thế này mới là ngôi nhà đẹp, thế kia là ngôi nhà xấu nữa.
Giữa phố thị ồn ào, giữa mắc giăng các dục, giữa nơi sự thỏa mãn các ái được đáp ứng ngay lập tức, bạn không thể nhận ra mình đã sử dụng quá nhiều hóa chất vào việc lau dọn để nó sạch bong bong một cách tạm thời ntnao. Chỉ có khi đặt nó yên ở đó, kệ nó ở đó, bụi bặm, nấm mốc, sâu chuột bọ ở đâu mọc lên, chui ra, xuất hiện đến tràn ngập, bạn mới thực sự hiểu trong ngôi nhà của mình chứa nhiều nhân tố sinh khởi “rác” đến ntnào.
Rác ở mỗi ngôi nhà sẽ không giống nhau, cũng như cách lau dọn là tùy thuộc vào sự nhận thức của mỗi người đâu là việc cần làm trước, đâu là cái đáng bỏ đi sớm hơn.
Hãy khéo léo quán sát ngôi nhà của mình và lựa chọn cách lau dọn phù hợp với một trạng thái thư giãn, tự nhiên, tránh bị đuối sức vì đây là một việc làm trường kì vì chỉ một làn gió nhẹ cũng đủ đem đầy bụi rồi. Đừng nghĩ rằng việc trang trí thêm đủ thứ nọ kia khiến trông ngôi nhà trông sạch đẹp hơn, nó chỉ làm bụi càng có chỗ để ẩn nấp, chuột bọ càng có chỗ trú ngụ thêm. Cũng đừng cưỡng ép với các hóa chất làm sạch tạm thời vì chúng chỉ khiến bạn nhầm lẫn và dục hỷ với kết quả giả tạm mà thôi.
Hoan hỷ một ngày nắng, mỗi ngày thư thái, hồn nhiên với việc lau dọn nhà của bạn.

Lạ?

Người vui chơi lạc thú
Đâu do cảnh vui mừng
Do tâm mình cảm giác
Do duyên lạ mà thôi


Người trí nên từ bỏ
Duyên lạ cảm giác lạ
Vui với nội tâm mình
Trong trú xứ thanh tịnh

Xa?

Vĩ cầm phủ bụi khúc thiền ca
Khung toan lạnh lẽo ố sơn trà
Dăm đôi câu chữ nằm nghiêng ngả
Chờ người lữ khách, hỏi còn xa?

Thực hành BCĐ

Từng bước trên con đường thực hành Lối sống Bát chánh đạo – Lối sống của bậc Thánh.
Người không tu tập pháp môn gì khi quan sát một số người thiền tập lâu năm thường: nó cứ ngơ ngơ, như trên mây trên gió, sống không thực tế, bỏ nhà bỏ cửa suốt ngày đi tu đi chùa… Nếu ai đó đang thực hành tu Chỉ hoặc tương tự các pháp môn khác thực hành thiền định có Tầm có Tứ, dừng ở Tâm Không thì đúng thật là khó đưa vào đời sống. Như Kinh Bát nhã đã nói tất cả đều là Không vậy. Chính vì thấy như vậy, biết như vậy, nên người thực hành đạo bị vênh so với cuộc sống. Vì cuộc sống dường như là thật, là có cơm áo gạo tiền, là có sắc thanh hương vị xúc pháp… nhưng Tâm họ thì mặc định mọi thứ là Không, nên quả thật rất khó ứng xử với cuộc sống này.
Nhưng tại sao thực hành Bát chánh đạo lại có thể đưa tới ứng dụng vào đời sống, thậm chí có thể thực hành lối sống của bậc Thánh?
Như các bạn đã biết về lộ trình tâm Chánh niệm- Chánh tinh tấn- Chánh định- Tỉnh giác. Tỉnh giác này chính là Tâm giải thoát, Tâm không. Tỉnh giác là dừng lại cái tâm biết trực tiếp, không có tâm biết ý thức khởi lên. Vì vậy, người thực hành không có nhiều suy nghĩ với đời sống, họ thường thấy tâm trống rỗng, thậm chí hay quên. Nếu bảo họ suy nghĩ là điều khá khó khăn. Với người chưa tu học BCĐ, họ kinh nghiệm được Tâm biết trực tiếp, đời sống của họ khá an lạc, vui tươi, hồn nhiên, và với biến cố bình thường họ gần như không Tham Sân với đời. Vì đơn giản họ chẳng nghĩ ngợi gì, bằng lòng với tất cả. Ở đây Tâm biết trực tiếp – Tưởng phát huy mạnh mẽ nên họ thường phiêu lãng với mây gió đất trời như trở thành nhà thơ, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ… Nhưng chưa phải là Tỉnh giác hay Tâm giải thoát. Với người tu học BCĐ, thì bắt đầu kinh nghiệm được Tỉnh giác nhưng chưa an trú vững chãi, cộng với thiếu Chánh niệm liên tục thì dễ rơi vào tâm Si, cứ man mác buồn buồn, đôi khi cũng lơ lửng với thực tại, nếu không có thầy hướng dẫn bên cạnh thì cũng trượt vào đời sống Lạc thọ như người chưa tu tập gì.
Thực hành Tỉnh giác là một bước quan trọng trong thực hành tu đạo. Vì chỉ có an trú Tỉnh giác, người thực hành mới có thể có cái biết như thật về đối tượng. Sự thật thực tại là các Cảm thọ (cảm giác) do căn trần tiếp xúc mà sinh ra. Và tại đây, với những thông tin thật về đối tượng thực tại mới được đưa vào lộ trình tâm ứng dụng vào đời sống là Chánh niệm – Chánh tư duy – Chánh tri kiến. Không phải Tỉnh giác là phát sinh Tư duy. Nhưng Niệm có được do Tỉnh giác mới là nguyên liệu để Chánh tư duy. Chứ không phải khi Căn Trần tiếp xúc, phát sinh Thọ là Chánh tư duy được luôn. Vì nếu chưa thể An trú Tỉnh giác, thì thông tin đưa vào quá trình Tư duy sẽ xen lẫn Minh và Vô minh mà người thực hành nếu không khéo léo quan sát sẽ không nhận ra được. Vì chỉ khi An trú Tỉnh giác, các thông tin đưa cho quá trình Tư duy mới là thông tin đúng như thật về đối tượng thực tại. Phải thấy như thật đó là cảm thọ, cũng như an trú trên đó thì sẽ thấy rõ ràng quá trình sinh diệt, vô thường, vô ngã của cảm thọ. Chứ không phải nghĩ rằng hay tư duy nó là như thế, ra như thế. Ví dụ như một thiền sinh khi trải nghiệm thiền ở tầng sâu, an trú tỉnh giác, người đó thấy rõ ràng từng loại cảm giác âm thanh, không cái nào bị xen lẫn cái nào: tiếng thầy giảng, tiếng chuông gió, tiếng ve kêu, tiếng quạt quay… từng cái một sinh lên rồi diệt đi rõ ràng như thế nào, nó vô chủ vô sở hữu như thế nào.
Đối với một số thiền sinh lần đầu nghe pháp, thấy pháp thì dục hỷ với pháp. Thông tin đó là nổi trội nên cứ nhắm mắt lại là nhớ lời thầy giảng. Và người này cho rằng mình đang Chánh tư duy thì đó là không phải. Chánh tư duy chỉ có khi trong Định. Định là do cho có sự chú tâm liên tục trên các thông tin kể cả đó là thông tin pháp trần. Nên phải khéo léo quan sát ra việc cứ nghĩ về bài giảng là bị thông tin lôi đi, phần nhiều do dục hỷ thông tin mà không thể dừng ở tâm biết trực tiếp đó chỉ là cảm giác pháp trần đang nhớ lại lời thầy giảng. Khi Định các thông tin qua các căn được lưu vào kho chứa dần dần sẽ thấy nó lắng xuống mà thực tế là các thông tin này không dao động loạn xạ trong kho chứa nữa. Càng tầng thiền sâu thì các thông tin này gần như đứng im hay ổn định vậy. Việc này giống như cô giáo vào lớp giảng bài, thì học sinh cần ổn định chỗ ngồi, ngồi ngay ngắn. Vì thế khi nội tâm tịch tĩnh, an trú tỉnh giác (thường là tầng tam thiền) mới hướng đến tư duy, để lúc này thông tin về đối tượng được lấy ra là thông tin như thực (Minh) và không bị xen các thông tin Vô minh vào.
Phần này phải nói rất kĩ, vì giống như nấu ăn, nguyên liệu không chuẩn, nấu kiểu gì cũng ra một món ăn không tốt. Nhưng đa số các thiền sinh vẫn hay nhầm lẫn chỗ này, cứ căn trần tiếp xúc là cho tư duy luôn và nghĩ là Chánh tư duy. Việc này vừa khiến thiền sinh không thể thực hành được Tuệ quán mà không đưa tới được ứng dụng BCĐ vào đời sống. Phương pháp thiền trong Chỉ có Quán, trong Quán có Chỉ này chỉ có giảng sư Nguyên Tuệ mới nhận thấy rõ từ những lời giáo huấn của Đức Phật. Còn đa số các pháp môn thì tu Chỉ riêng, tu Quán riêng nên không thể khớp vào đời sống được như vậy.
Nhờ có Chánh tư duy mà người thực hành có được Chánh kiến, biết như thật các pháp là sinh diệt liên tục, là vô thường, vô ngã. Cái biết này là cái biết như thật, ngay khi Căn Trần tiếp xúc, chứ không phải là biết thế, nghĩ là như thế. Cũng chính vì có Chánh kiến nên thật khó để người ấy đi đến lời nói và hành động một cách tùy tiện nữa. Mà sẽ có xu hướng ít nói, ít làm đặc biệt là những việc thừa thãi không phục vụ cho nhu cầu cơ bản hay giảng pháp. Còn khi có tác ý nói lên hay hành động nhất là trong công chúng thì sẽ kèm theo một lộ trình tư duy ở chi phần Như lý tác ý. Vì cũng là một lộ trình tư duy, nên trên BCĐ là Chánh tư duy, lấy thông tin hay niệm có được từ việc người đó đang an trú Tỉnh giác. Chưa kể khi người đó Chánh tư duy thuần thục trên các barem về Lý duyên khởi, về Tứ thánh đế, về Vị ngọt, sự Nguy hiểm, sự Xuất ly của Thọ mà nhờ đó nói lên hay hành động đều ngó trước, ngó sau, có ý có tứ. Việc ăn ở gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ không phải là do quy định, ép buộc mà người ấy tự giác thực hiện vì hiểu nó là nhân cho việc dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, không mang lại dịch bệnh… Cũng như không mang cái tôi của mình ra mà cũng không động đến cái tôi của người. Vô ngã triệt để là như vậy. Vì thế việc ăn nói hay hành động này đáng được ca ngợi là bậc Thánh. Việc này không phải là thiếu Tỉnh giác để ăn nói, hành động một cách Ngây thơ, Vô tư đến vô ý vô tứ và tự cho rằng đó là mình đang không tham, không sân, không si.
Bậc Thánh luôn an trú niệm trên thân (Tỉnh giác) và nói lên hay hành động đều nhờ có Chánh tư duy mà có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng với mọi người. Thực hành lối sống BCĐ, lối sống của bậc Thánh thì việc đầu tiên cần rèn luyện an trú Tỉnh giác vững chãi, sau đó lấy thông tin Minh do Tỉnh giác đem lại để Chánh tư duy, lấy cái Biết có được do Chánh tư duy đem lại mà ứng xử với cuộc sống. Con đường này đã được chỉ dẫn như vậy, hướng dẫn như vậy để với Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát một người không những có được đời sống Thích nghi, vắng mặt khổ đau mà còn có thể đưa đến giải thoát tối hậu.

Thực hành BCĐ

Tại sao bạn vẫn chưa thể bước đi trên con đường Bát chánh đạo?
Có một sự thật là nhiều thiền sinh tham gia nhiều hơn một khóa tu BCĐ nhưng lại chưa thể bước đi trên con đường BCĐ, nhưng ngược lại có những thiền sinh chỉ tham gia một khóa tu BCĐ họ có thể thực hành được những lời của thầy dạy. Có quan điểm thì cho rằng, đó là do họ chưa bỏ những kiến thức Vô Minh cũ. Có quan điểm cho rằng, văn tuệ chưa vững… Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân, cái quan trọng nhất đó chính là họ chưa thực sự nghiêm túc thực hành: thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, tức là dừng lại lộ trình tâm ở Tỉnh Giác.
Để thực hành Tu Chỉ, thì văn tuệ quả thực không có nhiều. Chỉ đơn giản là hiểu biết thế nào là 6 căn và 6 trần, sự tiếp xúc của chúng sinh ra 6 loại Cảm thọ và 6 loại Tưởng (tâm biết trực tiếp) ghi nhận 6 loại Thọ đó. Dừng lại ở tâm biết trực tiếp Tưởng bằng cách chú tâm vào các cảm giác (nổi trội hoặc có chủ đích). Còn với các kiến thức Vô Minh cũ, nếu thực hành nghiêm túc, chỉ dừng lại ở Tâm biết trực tiếp, thì ở đó có là điều kiện cho các Tà Niệm được sinh khởi không? Hay là vì thiếu sự thực hành một cách chú tâm liên tục mà làm cho các lộ trình tâm BTĐ bị xen vào, làm kích hoạt lên những thông tin Vô Minh mà thôi? Dẫn tới không thực hành được lại đổ tội cho Kho chứa.
Nhiều thiền sinh trong khóa học, đã kinh nghiệm được “thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe”. Nhưng sự trải nghiệm này lại chỉ kịp thoáng qua, lướt qua và ngay liền đó là tâm biết ý thức: a, đây rồi, mình đã “chứng” được – lúc này tâm biết trực tiếp mất, khiến sự thực hành không thể chú tâm liên tục và kéo dài để có thể tiến tới Chánh Định. Vì chỉ có an trú Chánh Định bạn mới kinh nghiệm được Tỉnh Giác. Chứ nó không phải chỉ là một cái thoáng qua của Tâm biết trực tiếp, hay thoáng của của Chánh Định. Muốn an trú Tỉnh Giác thì cần dày công thực hành hơn rất nhiều. Đó là sự liên tục, liên tục… hay Chánh Tinh tấn để đưa đến Chánh Định liên tục thì mới làm cho các việc ghi nhận chú tâm các đối tượng trên thân này trở thành một cách tự động. Nó thực chất là một thói quen Nhớ đến Chú tâm (Chánh niệm) đã được tu tập một cách thuần thục đến nỗi không cần phải tác ý mà trở thành tự nhiên như nhiên là như vậy (như việc đi đứng nằm ngồi giờ k phải dạy là nhấc co duỗi đặt từng bước như thế nào).
Nếu bạn thấy con đường BCĐ này đúng đắn, hãy bước từng bước, dừng lại ở tâm biết trực tiếp như đúng sự hướng dẫn thực hành của Giảng sư, bỏ qua hoặc không làm cho sinh khởi bất cứ một Tà niệm, thực chất là một lộ trình tâm Tà nào đưa đến phán xét so sánh về Pháp ở đây cả. Sự trải nghiệm, kinh nghiệm đúng đắn về Tỉnh Giác thật sự sẽ mở tiếp cách cửa trên con đường đạo cho mỗi cá nhân chúng ta.

Dục như ý túc


Đây là một loại Dục phát sinh không phải từ một khởi niệm mong cầu đi học đạo dù đó là Chánh đạo. Mà là khi đó người ấy thấy rõ ràng sự thật về Khổ và Khổ tập, vì thế người đó quyết tâm bước đi trên con đường đưa đến Khổ diệt.
Chỉ có thấy như thật, thấy lông tóc dựng ngược về các loại khổ, khổ do dục ái (ham muốn vật chất, tinh thần), khổ do hữu ái (ham muốn hiện hữu làm người), khổ do phi hữu ái (ham muốn hiện hữu ở các cõi hay tầng trời), thì lúc đó mong muốn tu tập hay Dục để thúc đẩy sự tinh tấn tu tập mới được gọi là Dục như ý túc, là Dục phát sinh từ sự hiểu biết như Thật.
Hãy hiểu biết như thật, học Đạo không phải là khoe mẽ, theo phong trào, thêm một kỹ năng sống hay tìm cầu về một trú xú kì diệu, hay bình an nào đó.
Khi có dục như ý túc, lúc này việc học và thực hành pháp diễn ra một cách tự động, tự nhiên như con người thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống, thấy nắng thì trú, sáng ra tỉnh dậy thì đánh răng rửa mặt vậy.

Thất bại là mẹ thành công?


Nếu bạn đã từng quan niệm như vậy, thì lành thay, bạn là một người ý chí vô cùng mạnh mẽ. Cuộc đời dù có khó khăn, sóng gió thế nào cũng không đánh ngã được bạn. Bạn luôn biết vươn lên như một bông sen trong bùn lầy vậy. Đó là những câu bạn đã từng được nghe ai đó khen ngợi bạn.
Cả những thất bại, cả những lời ngợi khen, như ngọn lửa thắp sáng thêm niềm tin, thêm năng lượng cho bạn đi tiếp trên hành trình cuộc đời này. Như một người đang mắc kẹt ở sa mạc, nắng, nóng, khát khô, nhưng bạn vẫn vững tin ở xa kia, cứ đi tiếp đi sẽ là nơi gió mát, nơi có những nguồn nước thanh khiết đang chờ bạn. Thành quả sẽ không phụ công sự kiên trì và cố gắng.
Tại sao bạn có được ý chí và niềm tin sắt đá như vậy? Vì bạn không thể bị khuất phục. Bạn như những vó ngựa nơi thảo nguyên, bất kham, có thể sải những bước dài trên đồng cỏ. Bạn không cho phép mình thất bại, vì bạn chưa đúng chứ không phải bạn không đúng. Bạn cần phải chứng minh, cần phải được tôn vinh, cần phải được công nhận.
Nếu tới đây bạn cho rằng bước đi của bạn là đúng đắn. Mình sẽ không cần bàn thêm về sau. Nhưng nếu bạn nhận ra, mình đang tìm cách làm dày lên bản ngã của mình, đang tìm cách xây dựng một tượng đài mang tên bạn. Hay bạn hiểu chính cái bản ngã này, khiến bạn lăn dài trên con đường sinh tử, đi hết kiếp này qua kiếp khác. May mắn thì được làm người, còn không làm trâu ngựa chứng minh mình khỏe, làm chim chóc chứng mình tự do không giống ai. Có thể bạn nói, chết là hết, chẳng cần bận tâm, sống hạnh phúc một kiếp người này là được.
Nhưng tôi không tin không có những lúc bạn bất chợt ngồi đó thất vọng, ê chề và cô độc. Tôi sẽ luôn ở đây bên bạn. Như sự thật rằng, thế giới này chỉ là các cảm giác được sinh ra do các tế bào thần kinh nơi giác quan ghi nhận đối tượng bên ngoài vậy. Không có đau khổ và cũng không có thành công. Chúng chỉ là các công việc bạn làm nếu cần làm, hoặc không làm nếu không cần phải làm. Cảm giác đến từ các kết quả đó đúng ra không cần phải đối chiếu với thông tin, quy định, tiêu chuẩn nào cả, kể cả của chính bạn hay ai đó. Bạn hãy tận hưởng những thành quả một cách trọn vẹn nhất mà không cần đặt tên cho nó.
Sa mạc vốn dĩ không nóng bỏng như bạn nghĩ, nguồn nước mát vốn dĩ không xa tít tận chân trời. Bạn cũng không vì thế mà phải gồng mình chịu đựng những sóng gió cuộc đời. Đơn giản thôi: “Như Lai không đứng lại, Như Lai không bước tới, vì thế Như Lai thoát khỏi bộc lưu.”

Bạn có đang tham gia giao thông không?


Chỉ có những ai đang tham gia giao thông mới hiểu những nguy hiểm đang rình rập cận kề như thế nào. Người nào sử dụng phương tiện lớn, thì nguy cơ nhiều hơn, người nào sử dụng phương tiện nhỏ, thì nguy cơ ít hơn. Nhưng đều có chung sự nguy hiểm như nhau và đều cần phải khéo léo quan sát từ việc mình đi ra sao, tới việc các phương tiện khác đang đi như thế nào để tránh.
Có người thì nói với tôi rằng, họ thấy cuộc sống của họ như vậy là ổn rồi, hài lòng với chính mình, với gia đình của mình, với thu nhập của mình, và họ không cần phải tu thiền làm gì cả. Rốt cuộc lại tu thiền cũng chỉ là để bình an mà thôi. Cuộc sống của người này ví như một người đi xe đạp ngoài cánh đồng xanh mát mùa lúa đang thì con gái vậy. Cảnh và tâm đều có thể nói rất đỗi nhẹ nhàng và bình an. Nhưng sự thực, một người lái xe đạp có chủ quan dù đang đi xe đạp ở nơi thanh bình như vậy không? Sự chú tâm của họ là ít, và khó nhận ra, nhưng sự thực họ vẫn quan sát con đường trước mặt vì không cẩn thận sẽ ngã xuống mương, hoặc quan sát xem có xe máy, ô tô nào phóng nhanh vượt ẩu đang đi tới hay không.
Có người thì nói với tôi rằng, họ đang thiếu tiền, lương chẳng đủ tiêu, thậm chí lo bệnh cho người nhà. Tâm trí đâu mà tu thiền, với cả tìm bình an. Cuộc sống của người này ví như đang điều khiển một cái xe máy trên quãng đường mòn bên núi, lên xuống dốc liên tục, gập ghềnh đầy ổ gà và một bên là bờ vực vậy. Sự thực là người lái xe ở quãng đường như vậy quan sát được tất cả những vất vả, khổ sở đang xảy ra một cách liên tục và rõ ràng trên con đường này. Nhưng họ lại đang mong chờ tới con đường quốc lộ phía đỉnh dốc. Nơi đó rất phẳng phiu, được lát nhựa. Và có ai biết con đường quốc lộ lại rất nhiều xe tải, container và còn nguy hiểm hơn đến thế nào không?
Có người thì nói với tôi rằng, giờ họ quá đầy đủ rồi. Nhìn xem, họ chẳng thiếu thứ gì nữa. Nhà cửa tài sản, thậm chí sức khỏe dinh dưỡng, tinh thần. Cuộc đời với họ là quá mãn nguyện. Đạo rốt cuộc cũng chỉ là tìm ra cách sống thoải mái và bình an mà thôi (gần giống với trường hợp 1, nhưng ở level cao hơn). Cuộc sống của người này ví như đang ở trên một chiếc chuyên cơ vậy. Trên 9 tầng trời, một mình một đường, một mình một hành trình, tiện nghi và sang trọng. Sự thực, người lái chuyên cơ có chủ quan với hành trình của mình không? Họ vẫn quan sát sự thay đổi của áp suất, các khối khí, hướng nắng, hướng gió… Dù những thứ đó là rất vô hình, nhưng một sự thay đổi nhỏ thôi đều có thể khiến cả chiếc chuyên cơ rơi tự do.
Sự thực là khi bạn sinh ra trên đời là bạn liền tham gia giao thông rồi. Dù với phương tiện nào đi chăng nữa thì việc tham gia này chỉ kết thúc khi bạn không còn hiện hữu. Tại sao Đức Phật nói: CÒN HIỆN HỮU LÀ CÒN KHỔ? Các bám chấp, dính mắc, ràng buộc, mong cầu, sân hận, thậm chí tìm kiếm một điều gì đó mơ hồ đều là những chướng ngại trên hành trình của bạn. Chỉ có khi biết cách quan sát bạn mới nhận ra được các nguy hiểm đang trực chờ. Cũng chỉ có khi biết cách quan sát đúng bạn mới biết cách để “về đích an toàn”.