Bạn nói người khác là Hạ liệt, kẻ ngu khi chỉ thấy một phần của
con voi. Nhưng có chắc bạn đã thấy đủ cả con voi hay vẫn trên đường đi theo dấu
chân voi?
Nếu biết mình vẫn còn đang trên đường đi theo dấu chân voi, thì
hãy việc mình mình đi, và đi cho hết con đường với tâm không PHÓNG DẬT. Một
người nào khác đó, nếu chỉ mới đang nhìn thấy dấu chân voi, thậm chí là cỏ –
loài cỏ mà voi thích ăn, từ đó lần về đầu nguồn thì như vậy cũng đáng khích lệ
rồi. Hãy khích lệ họ tìm con voi theo dấu hiệu của cỏ, theo dấu hiệu của dấu
chân voi.
Còn nếu bạn là người có trí, đã có khả năng nhìn thấy toàn bộ
con voi, bạn đã có thể thấy người này đang sờ vòi, người kia đang sờ tai, người
nọ đang sờ chân… Điều đó với người này, người kia, người nọ… thật đáng trân
quý biết bao. Và chỉ cần nhắc họ khoan vội KẾT LUẬN. Hãy từ bỏ cả người sờ voi,
cả voi, cả cái đang thấy, đang chạm để có thể vượt thoát ra khỏi con voi, mới
có thể thấy điều cần thấy, thấy trọn vẹn.
Cảm ý sau khi đọc Kinh – Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Trung bộ
Kinh – Kinh Nikaya – Hòa thượng Minh Châu dịch)
Đã có thời thấy rằng, như cái cây là bình an nhất. Cứ thế mọc,
cứ thế hít khí trời mà sống, lặng lẽ tỏa bóng mát cho những ai cần tới nó.
Nhưng rồi nhận ra đó vẫn chỉ là mong muốn trở thành, muốn trở thành một điều
gì, cái gì đó.
Bình an hay phiền não cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề. Dù là
mong muốn trở thành ông nọ, bà kia, cái cây hay tảng đá thì vẫn là mong muốn
trở thành một gì gì đó khác với sự thật thực tại đang là. Tâm còn mong muốn,
tâm còn phóng dật, còn vọng tưởng, còn điên đảo, còn đủ khiến con người ta tự
hỏi sao mình lại thế, sao mình không được như thế, sao mình cố gắng mãi mà vẫn
thế. Để rồi chính sự mong muốn trở thành đó làm khô héo chính bạn.
Không mong muốn trở thành, không có nghĩa là ôm chặt lấy bản ngã
– cái ta đang là. Mà ở đó vắng mặt cái Ta là. Vì còn cho rằng Ta là, là còn có
định nghĩa về thực tại, về trạng thái nơi hiện tại đó. Bạn đang là bất cứ ai,
bất cứ tướng trạng nào không quan trọng, cái quan trọng là ở đó bạn vắng mặt đi
cái suy nghĩ bạn Đang Là, và vắng mặt cả cái suy nghĩ mong muốn bạn Sẽ Là. Lúc
đó, bình an, hạnh phúc, phiền não hay khổ đau sẽ không là khái niệm khiến bạn
bận tâm tới. Bạn không còn sự tìm hiểu hay lý giải về chúng để xuất hiện sự
chối bỏ, từ khước hay viễn ly mà đơn giản trạng thái bạn đang là như vậy.
Tu không có nghĩa là trở thành, mà tu để giác ngộ. Vì vậy hãy tự
dập tắt những điên đảo trở thành, đắc nọ đắc kia, thành tựu nọ thành tựu kia.
Hãy tự bên trong mà bước ra, thay vì áp ngược chúng từ phía ngoài vào. Hãy cứ
bước đi, và đừng nghĩ ngợi gì.
Cái tôi nó vi tế thế đấy. Binh thường mình rất hiền hành, vui vẻ
với từng nhành cây, ngọn cỏ, đàn ca, và công việc. Hằng ngày, đọc pháp, nghe
pháp, thực hành. Các sự đời kéo đến nhờ mình phân bua, mình đều cố gắng chỉ dẫn
dưới khả năng hạn hẹp có thể.
Khi gió đông thổi tới thì bản ngã nó cũng nhảy xổ ra. Có thể
dùng ít nhất là định tâm hơi thở để nhiếp phục nó. Hoặc đã chánh niệm rồi thì
mọi thứ cứ thế thôi. Có thể vẫn có ý niệm xuất hiện nơi tâm, nhưng biết đó là
tà niệm, thì có thể dừng lại tại đó. Song lần này, mình thích thì nhích thôi.
Dù rằng nói ra nghe sân si lắm nhưng mà mình chỉ buồn cười. Buồn cười cho họ và
cho cả mình.
Trước thì mình sẽ bảo đang yên đang lành, mình có làm gì đâu.
Mình vô tội, tại sao lại nói mình. Đến khi hiểu: chỉ cần sự xuất hiện, sự có
mặt ở trên đời đã là một sai lầm rồi. Một nhân là mắt, tai, ý của người ta,
nhân còn lại là hình ảnh, giọng nói của mình, thông tin về mình. Thì hai nhân
này mà gặp nhau, người đời và thậm chí người tu tập chưa thuần thục sẽ tà niệm
là chuyện bình thường. Mình còn thế nữa là người khác.
Đâu phải đợi có nhiều tiền mới đi bố thí, hay vì bạn nhiều tiền
người khác mới tìm tới bạn. Nhưng vì tiền, bạn có thể nhận chúng là của mình,
cho phép nó đem lại lợi lạc riêng cho mình thay vì cộng đồng. Vì tiền, bạn cho
mình có khả năng hơn người khác và người khác cần tới bạn. Vì tiền, bạn chia rẽ
người này người kia. Vì tiền, bạn xây dựng cho mình một hình tượng thật tốt đẹp
để rồi ảo tưởng trong nó. Bạn có biết, bạn thật là đáng thương lắm không?
Sự ảo tưởng về sức mạnh còn khổ tâm hơn. Vì chỉ một hai đứa con
đu bám vào mình đã đủ mệt. Đằng này vì bạn tự cho là kẻ mạnh, nên biết bao
người đu bám vào bạn. Và thật sự, chỉ có thể là vô lậu tâm mới có thể chịu được
sự đu bám này. Còn dù luôn dùng mọi phương pháp để nhiếp phục hay quán tưởng vô
thường, vô ngã thì nó vẫn khiến những con sóng ngủ ngầm trong tâm trỗi dậy. Vì
vậy mà bạn luôn đổ lỗi – đổ lỗi tại người khác không làm được, đổ lỗi tại người
khác không biết gì, đổ lỗi người khác không hiểu bạn, hay không biết bạn đã cố
gắng, gánh vác thế nào. Và thậm chí đổ lỗi luôn cho người chỉ ra những thiếu
sót của bạn là không biết gì, sai rồi, không phải thế. Bạn có biết, đó thật là
một điều đáng tiếc không?
Vâng. Vậy đó. Không cần phải nhờ hiền thánh tâm gì cả, ai ngoài
cuộc cũng sẽ thấy ra những điều này. Chỉ còn bạn lòng đầy bản ngã, tự nhiếp
phục bằng những Keyword mà tự huyễn hoặc về chính mình. Viết tút này ra, chỉ
muốn nói, dù bạn hay là tôi, thì đường tu hành còn dài lắm. Cứ từ từ mà học, từ
từ mà hành, từ từ mà tu. Chốt: muốn thấy cả bầu trời, đừng chỉ ngắm mỗi vì sao.
Học Lý sẽ giải được Lý hay các hiện tượng, các tương tác giữa
các vật…
Học Hóa sẽ giải được Hóa hay các phương ứng của các chất…
Học Văn sẽ làm được Văn hay cách viết các loại bài văn nghị
luận, hành chính, miêu tả…
Học Tin sẽ biết cách lập trình các chương trình, phần mềm, ứng
dụng…
….
Nói chung học gì thì sẽ biết làm cái nấy và không học không biết
làm cũng như không phải học môn này sẽ biết làm hay giải các lĩnh vực khác.
Nhưng học thì cũng nhiều cấp độ lắm. Đâu có phải cứ học +-×÷ số tự nhiên là
biết +-×÷ phân số hay số thập phân. Đâu có phải học Toán là đi thi được giật
giải nọ giải kia, đâu phải cứ học Văn là thành nhà thơ, nhà báo…
Chúng ta hay nhầm lẫn:
– thực hành một pháp này và cho rằng nó sẽ giải quyết vấn đề này
– thực hành một vài chi phần Đạo và cho rằng một vài chi phần đó
đi được cả con đường Đạo
– chê bai, so sánh một pháp và cho rằng pháp đó không giải quyết
được vấn đề đáng ra phải của pháp khác
– biết một pháp này và cho rằng mình đã giỏi, đã thấu triệt, đã
có khả năng thuần thục trong việc thực hành pháp đó.
Lời nhắc đầu giờ sáng: im lặng, chánh niệm mà thực hành. Bớt xàm
xí, đọc linh tinh, share linh tinh, nói linh tinh. Đọc kinh sách đoạn nào hỷ
lạc thì post còn tạm được, còn vì bản ngã post lên thì cũng còn xa Niết bàn
lắm.
P.S: đời đôi khi nó khù khoằm thật ý, mít gì mà trông như là..
Sư Tâm Pháp có một post: “Tại sao chúng ta vui mừng khi
thấy người khác cũng tin vào điều mình đang tin? Những quan điểm được nhiều
người tin theo đem lại cho người ta cảm giác an toàn.”
Nhưng xin phép bổ sung: mỗi người không chỉ vui mừng khi người
khác tin vào điều mình tin mà còn vui mừng khi người khác làm, thực hiện giống
như gì mình đang làm, thực hiện. Nó không chỉ làm cho bạn cảm thấy an toàn, nó
cho thấy bạn đúng, bạn được khẳng định, có thể là được tôn vinh. Bản ngã đã
khéo léo ẩn nấp sau đó.
Một người kết thân với một người vì cho rằng người đó đang giống
mình về quan điểm, về thực hành. Nhưng rồi khi sự thân chứng mỗi người thay đổi
thì quan điểm, thực hành cũng theo đó mà thay đổi. Không còn tương đồng, không
còn điểm chung. Vì bản ngã, mỗi người cho rằng mình đang đi đúng đường. Vì bản
ngã nên xuất hiện một sự so sánh đối chiếu vi tế ở sâu bên trong mà mỗi người
thật khó có thể nhận ra, chỉ là không còn sự đồng hành ở đây nữa.
Con đường thực hành đạo là con đường độc mộc, không có xuất hiện
tham ái. Nhưng sự bước đi độc lập, cho rằng vì ta không còn tham ái nữa, hay có
chăng, là vì ta không còn cảm thấy có thể được chia sẻ nữa? Tự chọn cho mình
một cách độc hành mà bản ngã cho rằng: chỉ mình nương tựa nơi chính mình? Chữ
nương tựa và đồng hành là hai khái niệm hoàn toàn khác và không đánh đồng như
vậy được.
Con đường mỗi người khi đã chọn, cần phải tự hoàn thành để đi
nốt. Nhưng nếu bạn cho rằng, bạn có thể tự đi vậy hãy cứ tự nhiên thôi.
P.s: như khóm trúc mọc thành cụm, nhưng vẫn độc lập, k ràng buộc
Có một câu được Đức Phật nhắc đi nhắc lại trong bài Kinh Phạm
võng – bài đầu tiên của Trường Bộ Kinh (Nikaya) là: Như Lai nhờ tuệ tri Tập
khởi, sự Đoạn diệt, Vị ngọt, sự Nguy hiểm và sự Xuất ly của #Thọ mà Như
Lai được Giải thoát hoàn toàn không còn Chấp thủ.
Thế giới thực tại này là Cảm thọ, Cảm thọ này là cái gì? Do đâu
mà có? Tính chất của nó như thế nào? Cùng tìm hiểu như sau:
– 6 căn (6 tế bào thần kinh nơi 6 giác quan của con người: mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân, ý),
– 6 trần (6 loại thông tin dưới 6 dạng sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp từ thế giới ngoại cảnh),
– 6 xúc xứ (6 cặp đôi của 6 căn và 6 trần, 6 sự tương tác thông
tin: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc),
– 6 thọ (6 loại cảm giác phát sinh do 6 sự tương tác của 6 căn
và 6 trần: cảm giác hình ảnh, cg âm thanh, cg mùi, cg vị, cg xúc chạm, cg pháp
trần)
* Tuệ tri Tập khởi là hiểu biết như thật, hay thân chứng (không
phải là hiểu trên mặt logic) về sự Có mặt của các cảm thọ hay tính Thường của
Thọ. Cảm giác là Có thật, nó có mặt khi Căn Trần tiếp xúc, nó thuộc phạm trù
Tâm. Nó không thể có khi ngủ say không mộng mị, hôn mê sâu sau khi mổ, ngất đi
khi bị tai nạn hoặc tế bào thần kinh giác quan đó không hoạt động. Là người
sống bình thường, đầy đủ giác quan hiển nhiên có Xúc của Căn-Trần và hiển nhiên
Thọ có mặt.
Con người chỉ không thể nhận ra sự Có mặt của Thọ khi đi liền
sau đó là Tà niệm, là Tâm biết ý thức Tà kiến, là Vọng tưởng dẫn đến không thể
dừng lại ở Tâm biết trực tiếp (cái biết Vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt). Nhiều
trường phái thực hành để dừng lại ở Tâm biết trực tiếp này, và ví nó như là
Phép màu của Hiện tại.
* Tuệ tri sự Đoạn diệt của Thọ là hiểu biết như thật hay thân
chứng về sự Không có mặt (Mất đi) hay tính Vô Thường của Thọ. Cảm giác đó sẽ
Không có mặt khi không có Xúc của Căn Trần. Có Xúc thì sinh, không có Xúc thì
diệt. Nó không mời mà đến, không đuổi mà đi là như vậy. Nó vô chủ, vô sở hữu.
Con người vì Vọng tưởng và Tà kiến mà cho rằng Cảm giác đó là
tồn tại mãi mãi hay Thường hằng hoặc là nó đang trú ở một nơi nào đó, gọi là nó
ra, không gọi nó lại ẩn đi. Vì thế bao nhiêu phép tu cố gắng trường sinh bất
lão, kéo dài thời gian của Thọ, cho rằng Thọ đang ở một trú xứ nào đó để tới
hưởng thu hoặc tìm cách làm chủ các cảm thọ, cảm giác, cảm xúc…
* Tuệ tri Vị ngọt của Thọ là hiểu biết như thật các Cảm giác đó
có thể đem đến sự yêu thích, sự tham đắm, muốn có, muốn sở hữu. Hiểu rõ sơ đồ:
xúc sinh thọ, thọ sinh ái (yêu thích), ái sinh thủ (nắm giữ), thủ sinh hữu (có
mặt), hữu sinh sinh (tái sinh), sinh sinh khổ đau già bệnh chết.
Con người thấy Vị ngọt của các cảm giác nên mải mê tân hưởng,
không muốn từ bỏ, tìm kiếm chỗ này chỗ kia để có các cảm giác lạc thọ, nếu
chẳng may có khổ thọ thì sân với nó, khổ đau vất vả để níu giữ, hồi ức, tìm
kiếm các cảm giác lạc thọ chỗ này chỗ kia.
* Tuệ tri sự Nguy hiểm là do hiểu biết như thật các cảm thọ đó
Vô thường, Vô chủ sở hữu nên Tham ái cảm thọ đó sẽ gây nguy hiểm như thế nào
đối với chúng ta. Sự nguy hiểm do muốn nắm giữ, muốn chúng thường hằng nên đưa
đến Khổ. Sân với các Khổ thọ hay Si (tìm kiếm) các Lạc thọ nơi cảnh, thậm chí
cả tâm để thay thế Cảm giác hiện tại.
Người già, hay người nhiều trải nghiệm sẽ thấy cuộc sống này
mang cho chúng ta nhiều khổ đau mà vì thế cũng ít nhiều không còn nắm giữ, ràng
buộc với đối tượng. Nhưng đó vẫn là tâm biết cảnh, đổi lại mất mát không chỉ
thời gian và công sức.
* Tuệ tri sự Xuất ly là hiểu biết như thật về sự xuất ly của thọ
bằng Chánh kiến – hiểu biết những lý thuyết ở trên và quan trọng bằng thân
chứng trải nghiệm sự Xuất ly của Thọ. Khi Chánh niệm có mặt liên tục khít khao,
người thực hành sẽ thấy rõ sự Vắng mặt của Tham (với lạc thọ), Sân (với khổ
thọ), Si (với bất khổ bất lạc thọ) nơi nội tâm mình. Chỉ còn lại sự tịch tĩnh,
thanh tịnh, vắng mặt cả khổ cả vui.
Cần hiểu rõ nhờ Xuất ly Thọ mà vắng mặt khổ vui, nội tâm tịch
tĩnh, thanh tịnh khác với trạng thái Bất khổ bất lạc khi Tham Sân được giản
lược. Nhiều người tu tập Tham Sân giảm bớt, không vui không khổ nghĩ rằng là an
yên, nhưng không tuệ tri được sự Xuất ly của Thọ thì vẫn giống như hạt mầm chưa
được gieo, vẫn có cơ hội trổ quả.
Như vậy, Sự thật rằng thế giới thực tại này là Cảm thọ, do Căn
Trần tiếp xúc mà sinh lên rồi diệt đi, vì thế chúng Vô thường, Vô chủ, vô sở
hữu (vô ngã). Do không tuệ tri tất cả những điều trên về Thọ mà có rất nhiều
nhận thức sai lầm:
– tâm biết cảnh – nhị nguyên (có chủ thể biết và đối tượng được
biết)
– rơi vào chấp Có – chấp Không
– học thuyết Nhị đế – đại ngã, tiểu ngã; tục đế, chân đế
– khổ thường hằng nơi cảm giác
– thậm chí người đã học qua văn tuệ này cũng có thể sai lầm. Sự
thật là Cảm thọ, thì Văn tuệ này hầu như ai cũng nắm được, nghe qua một lần là
nắm được thông tin. Nhưng nếu Tự kỉ ám thị rằng Sự thật là Cảm thọ, liên tục
niệm “là Tâm, không là Cảnh” thì mất đi cơ hội Tuệ tri về Thọ. Việc
Tự kỉ ám thị này cũng đưa tới nhiếp phục Tham Sân Si nhưng do chưa Tuệ tri
những điều trên nên chưa động tới kho chứa, chưa thể đoạn trừ được ít nhất là
thân kiến, nghi, giới cấm thủ – quả vị thấp nhất mà một hành giả cần có được
(quả vị là lộ trình tâm, là điều được kế thừa khi tái sanh).
Bát chánh đạo con đường thẳng, hay con đường độc nhất tới chứng
ngộ đó chính là việc: nhìn thẳng vào vấn đề, đối diện với vấn đề, nhận diện ra
vấn đề, thấy nó như thực là và thân chứng điều đó, một cách không né tránh, một
cách không ngụy tạo bằng bất cứ khái niệm ngôn từ nào. Thực hành BCĐ với hiểu
biết Sự thật thực tại là Cảm thọ là buông bỏ tư tưởng chấp thủ Ta, của Ta, chứ
không phải buông bỏ ngoại cảnh. (Cũng cần lưu ý, Tâm đổi thì Cảnh đổi, và cảnh
hay điều kiện ngoại cảnh cũng hỗ trợ cho việc tu tập của các vị Hữu học). Tuệ
Tri các điều trên trước hết bằng sự thực hành Chánh niệm để thấy ra như thật
Tập khởi của Thọ, sự Đoạn diệt của Thọ. Với Chánh niệm và Chánh kiến mà thấy ra
như thật Vị ngọt, sự Nguy hiểm, sự Xuất ly của Thọ. Sự tu tập này được làm cho
viên mãn thì khi xảy ra Xúc sẽ #lập_tức khởi
lên đối tượng là Cảm thọ, nó Vô thường (có sinh lên và diệt đi ngay), nó Vô ngã
(không thể điều khiển, nắm giữ, hay xua đuổi). Tuy nhiên, với các vị hữu học,
nhận thức được như vậy, cần kiên trì thực hành như vậy đã là tốt rồi.
p/s: ai cũng bảo tu để làm chủ, mà em buồn quá không làm chủ
được các bác ạ. cảm thọ này thật là khốc liệt.
Tôi đã khóc khi up bài này. Bài viết này đầu tiên chỉ định viết để tổng kết lại văn tuệ đã học, không có ý định quét rác nhà người. Lời của Phật quá giản dị mà do người tu không được nghe, được đọc lời Ngài, lại bị Balamon khéo léo cài vào pháp tu không đúng. Nên khi up bài này tôi đã khóc, không phải vì sự ngã mạn với pháp tu mình đang thực hành mà thương, tiếc, mà không thể làm gì được với những người đang hành sai lời Phật dạy. Nhưng những ai đang ngồi thiền, đang cho rằng mình tu hãy thành thật trả lời: Tu để sống đời đẹp đạo, thành công, lợi lộc? Tu để an trú một trú xứ hay thấy ra một cảnh giới huyền bí? Tu để có quyền năng thiên nhãn, thần thông? Hay Tu để không lăn qua lăn lại giữa các kiếp sống nữa? Hay đơn giản thôi là không còn dính mắc, chấp trước việc gì trên đời?
Lý thuyết của Phật nghe chừng có vẻ rất đồ sộ nên có thể ngại đọc, có thể lại tự cho rằng không cần đọc, nhưng thực ra rất đơn giản. Sự giác ngộ của Phật cũng vậy. Đó là GIÁC NGỘ THẾ GIỚI THỰC TẠI NÀY LÀ CẢM THỌ, chứ không phải là về một cõi siêu hình, huyền bí, về một cõi toàn năng, cõi cực lạc nào cả. Tôi xin phép tóm tắt trong vài dòng dưới đây. Đặc biệt là đã được thầy Nguyên Tuệ tóm tắt bằng sơ đồ hai lộ trình tâm theo ảnh: đường này đến Thế gian, đường kia đến Niết bàn mà Đức Phật đã nói. (Cần phải hiểu đúng các khái niệm của Phật để bắt đầu đi trên con đường này)
Căn: căn bản của các giác quan chính là nơi tế bào thần kinh ghi nhận thông tin từ thế giới ngoại cảnh. Đó là: Tế bào thần kinh (TBTK) mắt, tbtk tai, tbtk mũi, tbtk lưỡi, tbtk trên thân (da và nội tạng), tbtk não bộ. Mỗi tbtk chỉ ghi nhận một loại thông tin do TG ngoại cảnh đem đến.
Trần: TG ngoại cảnh, nó thật có. Đến nay, các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng phải tự phát biểu: chúng ta thực sự không biết vật chất là cái gì. Trần – có thể hiểu là dạng thông tin từ TG ngoại cảnh (có thể hiểu theo dạng sóng, hạt, lượng tử… chứ không phải là vật chất tương tác thẳng với giác quan – tương tác kiểu đó hỏng mắt mất, hihi). Đó là thông tin (TT) hình ảnh, tt âm thanh, tt mùi, tt vị, tt xúc chạm, tt lưu giữ trong adn (pháp trần).
Sắc gồm 6 căn và 5 trần dạng thông tin từ TG vật chất và Danh gồm thông tin trong ADN – pháp trần.
Căn Trần tiếp xúc sinh Thọ. Thọ là cảm giác (CG) phát sinh nơi các giác quan. Đó là cg hình ảnh, cg âm thanh, cg mùi, cg vị, cg xúc chạm, cg pháp trần (cg về tt được lưu giữ). Căn Trần tiếp xúc sinh Thọ phù hợp với Lý duyên khởi do Đức Phật thuyết. Mặt khác, Thọ là cảm giác rất đúng với thực tế. Ví dụ: nhìn xa nhìn gần một vật thì thấy khác nhau, cùng một món ăn, miếng thứ nhất cảm giác khác miếng thứ ba, bốn, năm….
Căn Trần tiếp xúc sinh Thọ là sự giác ngộ của Đức Phật vì nó sẽ giúp lý giải và hiểu đúng về các khái niệm: có mà như không có, giả có, thế giới này là vật chất hay tinh thần, thế giới này do tâm phóng chiếu mà ra… Căn hay Trần đều là dạng thông tin tương tác với nhau sinh ra Thọ – cảm giác. Cảm giác này thực có, nhưng lại chỉ có khi Căn Trần tiếp xúc, chứ nếu Căn và Trần độc lập thì cũng không sinh Thọ. Quan sát thực tế: Thọ sinh lên khi Căn Trần tiếp xúc và diệt đi khi Căn Trần không tiếp xúc, Thọ trước khi sinh không nằm trong Căn hay Trần và sau khi diệt đi cũng thế. Vô Thường và Vô Ngã chính là ở đây. Chỉ một cái nhắm mở mắt hình ảnh về TG ngoại cảnh sinh ra và mất đi, chứ không phải TG cái tồn tại vài ngày, cái tồn tại vài năm, … là vô thường. Mở mắt ra là thấy TG ngoại cảnh đập vào mắt, trừ khi không có mắt thì mới không có Thọ, hoặc nhắm mắt lại là Thọ mất nên mới là Vô ngã như thế. Chúng ta không ngăn cản, không làm chủ được việc sinh ra và diệt đi của Thọ. Nhận thức được Thế giới thực tại này là Cảm Thọ là một bước tiến dài trên con đường tu tập. Dừng ở Văn tuệ, nghe hiểu và ghi nhận thông tin này xác lập được con đường thực hành tiếp theo.
Tưởng là tâm biết, biết sự có mặt của Thọ. Tưởng có 6 loại: nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tỷ thức, thân thức, tưởng thức (Tưởng thức là tâm biết trực tiếp về thông tin pháp trần chứ không phải là Ý thức). Chúng ta hay nói có một cái ta, cái tự tánh, linh hồn… Nhưng sự thực đó là Tâm Biết trực tiếp Tưởng (trong Kinh Mật Hoàn TBK đã ghi rõ). Tâm biết trực tiếp này phù hợp với hiểu biết về nhận thức cảm tính – trực giác. Loại tâm biết này Thánh hay Phàm, trẻ con hay người lớn, già trẻ gái trai đều như nhau. Vì tâm biết này không có khái niệm, không định nghĩa… nên quan sát một đứa trẻ mới đẻ, chúng vẫn nhìn thấy một bông hoa biết đó là hình ảnh, thấy cô gái cũng chỉ biết đó hình ảnh. Chúng không có khái niệm, thông tin so sánh để mà thích ghét hay có nhu cầu sở hữu. Tưởng và Thọ được sinh ra cùng lúc khi Căn Trần tiếp xúc. Đây là sự sâu kín, khó thấy khó chứng.
Ý thức là tâm biết gián tiếp biết về Tâm biết trực tiếp Tưởng và Thọ. Ý thức ở trong Kinh ghi là do Ý căn tiếp xúc với Pháp trần nhưng thực tế phải hiểu đúng Ý thức là tâm biết gián tiếp biết sự có mặt, sự sinh lên diệt đi của các Thọ và Tưởng. Ý thức này phù hợp với hiểu biết về tâm biết gián tiếp hay nhận thức lý tính.
Lộ trình tâm của Phàm phu:
Bắt đầu từ Tà niệm: Khi Căn Trần tiếp xúc sinh Thọ và Tưởng = một thông tin được lưu vào bộ nhớ, thông tin này đối chiếu với thông tin đã có trước đó do học hỏi, tri thức kinh nghiệm… Hai thông tin này phù hợp > thích (tham), không phù hợp > ghét (sân), không thích không ghét (si) là cảm giác trung tính thì sẽ đi tìm đối tượng thay thế.
Loài người Khổ cũng chính vì Tham – muốn nắm giữ mà Hoại Khổ; Sân – muốn xua đuổi mà Khổ Khổ; Si – muốn kiếm tìm mà Hành Khổ. Mà không hiểu được các Thọ sinh lên rồi diệt đi, chúng vô thường, vô chủ vô sở hữu mà không thể nắm giữ, không thể xua đuổi.
Khổ cũng vì cho rằng Sắc (thế giới vật chất), Thọ (cảm giác), Tưởng (tâm biết trực tiếp), Hành (sự tương tác của thông tin), Thức (ý thức và tư tưởng) này là là Ta, của Ta, muốn nắm giữ, muốn chúng thường hằng, muốn làm chủ chúng mà sinh ra chấp 5 thủ uẩn.
Nhờ tuệ tri được lộ trình tâm Tà mà hiểu được Khổ và Nguyên nhân phát sinh Khổ.
Lộ trình tâm của bậc Thánh:
Bắt đầu từ Chánh niệm: bắt đầu từ quán thân trên thân hay chú tâm ghi nhận các cảm giác (nổi trội) trên thân: thấy ra được các cảm giác ở các giác quan và dừng lại ở tâm biết trực tiếp về chúng. Tại đây, có sự Tuệ tri về Cảm thọ, sự thân chứng thấy ra rõ ràng Căn Trần tiếp xúc sinh ra Thọ. Tâm biết gián tiếp ý thức không kích hoạt tà niệm, do vậy mà cảm thấy như có một điều gì đó được tách ra giữa hai tâm biết. Liền sau đó là các chánh niệm về Thọ, Tâm, Pháp sau khi Tâm biết trực tiếp ghi nhận Thọ là tâm biết ý thức đó là thọ gì, do duyên gì mà sanh khởi, thấy ra sự sanh diệt của Thọ mà tuệ tri được sự vô thường, vô ngã của Thọ, từ đó mà không phát sinh Tham hay Sân với đối tượng, cũng không có nhu cầu tìm kiếm đối tượng thay thế.
Chánh Định: Duy trì sự chú tâm liên tục nơi 4 xứ, không xen lẫn lộ trình tâm Tà mà phát sinh ra các trạng thái Chánh định. Tà định là pháp có được định nhưng không do chú tâm nơi 4 xứ mà có thể do chú tâm vào đối tượng TG bên ngoài hoặc tưởng tượng ra một đối tượng nơi thông tin pháp trần (thông tin đã được giữ trong ADN). Chánh Định có 4 tầng. Sơ thiền là chú tâm có tầm có tứ. Nhị thiền. Tam thiền. Tứ thiền. Đặc biệt là sự Chú tâm không tầm không tứ là loại chú tâm đưa tới Chánh Định chỉ có ở pháp của Phật.
Ở các trạng thái Chánh định này có được Tâm giải thoát do dừng được hoàn toàn ở tâm biết trực tiếp là tâm vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt. Một trạng thái như trong Kinh bát nhã đã từng ghi vậy. Trạng thái Định dù Tứ thiền là cao nhất nhưng cũng chưa đụng tới kho chứa thông tin vô minh đã lưu giữ, nên người đó chỉ cần thoát trạng thái thiền, làm các công việc ở đời thì vẫn Tham Sân Si do nhân Vô minh (các tư tưởng Thường kiến, đoạn kiến, chấp vào Ta của Ta) chưa được nhổ bỏ tận gốc.
Để có thể đi tới Giải thoát thực sự thì cần phải tu tập Tuệ giải thoát. Tuệ giải thoát ở đây không phải là điều gì ghê gớm mà chính là cái thấy biết như thật tức là sự thân chứng thực sự, hay sự quy thuận thật sự về những điều của Sự thật – Chân lý : Vô thường, Vô ngã. Vì bản chất Tâm là các Cảm thọ được sinh lên do Căn Trần tiếp xúc, và diệt đi khi không có xúc, nên nó Vô thường, Vô ngã. Nhưng đã bao nhiêu kiếp này, các tư tưởng Tà kiến (thường hằng, chấp có, chấp không, ta, của ta) nó đã ăn sâu vào kho chứa qua các lần tái sinh, nó khéo léo ẩn núp trá hình dưới các thứ gọi là vì nhân loại, bồ đề tâm, thiện lành, ánh sáng pháp giới, chân tâm, tự tánh, linh hồn bất sinh bất diệt,…
Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại: với tâm giải thoát, với tuệ giải thoát vị ấy sống đời sống chánh trí, chứng ngộ, niết bàn. Hay cũng chính là 62 lần nhắc lại sau khi nói về một tà kiến: Như Lai nhờ Tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ.
Tuệ tri sự sanh diệt của Thọ là cái biết đúng như thật Căn Trần tiếp xúc sinh ra Thọ – là loại Cảm giác chứ không phải là thế giới vuông tròn to nhỏ, thô cứng mềm mịn,… nên nó không có tướng trạng mà chỉ tri thức khoa học, kinh nghiệm tự đặt ngôn từ chế định nên nó mà thôi. Thấy rõ như thật Thế giới bên ngoài là Cảm thọ, là Vô thường, Vô ngã, nó thuộc phạm trù Tâm nên nó Vô Tướng. Hiểu biết đúng sự thật này, an trú nó Minh – Chánh tri kiến này thì sẽ là Tuệ Giải thoát, Vô tướng giải thoát.
Từ các hiểu biết như thật về thế giới, mỗi người từ đó nói lên hay hành động đều là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, không mang trong đó Tham, Sân, Si, hay chính là không tạo nghiệp cho kiếp này. Nhờ Tâm giải thoát mà nhiếp phục Tham, Sân, Si, hay nhờ Tuệ giải thoát mà nhổ bỏ Vô minh, không còn Tham Sân Si mà giải trừ, hay thanh lọc nghiệp của các kiếp trong quá khứ và hiện tại. Dẫn tới người đó thực sự là Vô Tác (con xin phép thêm từ Vô nghiệp). Mà nhờ đó người đó được Giải thoát thực sự, không còn trở lui lại đời sống này nữa.
Tổng kết: hiểu đúng lời dạy của Phật rằng thế giới thực tại này là Cảm Thọ, do Căn Trần tiếp xúc mới sinh ra. Tu tập là thực hành Thiền định để dừng ở Tâm biết trực tiếp, mà trong kinh ghi rõ Chánh niệm – Tỉnh giác; và xóa bỏ Vô Minh – xóa bỏ các tư tưởng tà kiến để biết như thực Minh – sự thật về Vô thường Vô ngã. Hay như Phật đã viết rõ trong bài Kinh Căn bản Pháp môn (bài mở đầu Trung bộ Kinh) – tu tập là thay đổi từ Tưởng tri sang Thắng tri và Liễu tri về đối tượng.
Trên đây là tóm tắt các khái niệm theo lời Phật dạy được thầy Nguyên Tuệ sau bao năm nghiên cứu và chỉ dẫn cho chúng tôi thấy ra lời dạy Thật của Phật, và hướng dẫn chúng tôi thực hành để trải nghiệm được những điều như trong Kinh Phật đã mô tả chứ không dựa trên sự suy tưởng cá nhân, hay lấy trạng thái cá nhân ra đối chiếu, hướng dẫn. Ngoài nội dung này ra, các ace có thể tìm hiểu rõ hơn về 37 chi phần đạo đế gồm: tứ niệm xứ, tứ như ý túc, tứ chánh cần, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Có thể tìm hiểu thêm về chánh trí và chánh giải thoát, thất thánh tài (sản) của bậc thánh.
Bạn có thể đọc thuộc làu làu kinh sách, viết lại y nguyên lời một vị đạo sư giảng không sai một dấu chấm, phẩy nhưng chính việc này khiến bạn rất dễ trở thành khúc gỗ bị mắc cạn hay mục nát ở bên trong. Khúc gỗ bị mắc cạn trên đất nổi đồng nghĩa với ngã mạn. Sự thông minh, tư duy logic giúp người ấy có thể có một trí nhớ tốt, xâu chuỗi được các vấn đề lại với nhau. Chính vì thế người đó tưởng rằng mình có thể lãnh ngộ pháp, chứng pháp. Khúc gỗ bị mục nát ở bên trong là không phải Samon nhưng hiện tướng Samon, không phải phạm hạnh nhưng hiện tướng phạm hạnh. Nội tâm bị hủ bại, đầy dục vọng và là một đống rác bẩn. Khúc gỗ mục ở đây rất gần với bản ngã, do thực ra nó là bản ngã được phóng đại, chỉ còn cái vỏ mà không có lõi. Nội tâm hủ bại, dục vọng cũng do bản ngã đầy tham muốn, nhân danh điều nọ điều kia, nhất là núp bóng thiện pháp. Xem thêm bài kinh Khúc gỗ https://suttacentral.net/sn35.237/vi/minh_chau Thật khó để một người có thể nhận ra mình đang bị mắc cạn hay là một khúc gỗ bị mục nát ở bên trong. Chỉ có Chánh kiến mới có thể liễu tri được cả Chánh kiến và Tà kiến, nhận mặt rõ được trò chơi mà bản ngã của mỗi người đang tạo ra. Sự thông minh, logic không có nghĩa là thân chứng. Vì thông minh, logic nằm trong kho tri thức kinh nghiệm Vô Minh, ở các vòng lặp của Tà tư duy mà có được. Còn Thân chứng là sự thay đổi thực sự của lộ trình tâm khi một chi phần được khắc rãnh sâu vào kho chứa. Chính vì vậy, khi thân chứng từng chi phần, người học đạo đều cảm thấy có sự thay đổi rõ rệt bên trong thân và tâm mình vậy. Và phải hiểu kho chứa này nằm ở khắp cơ thể chứ không phải nơi bộ não, nên khi có thay đổi là toàn thân cảm nhận vì nó có sự thay đổi tới cấu trúc AND (nhiều hay ít tùy sự thân chứng), hay đơn giản gọi là thay đổi tới tận bản chất vậy. Chứ không phải người đó nghĩ là, cho là như vậy. Cũng chính vì thay đổi tới bản chất nên người này là một con người mới hoàn toàn. Có những người sự thân chứng ít, mờ nhạt thì mới chỉ là khác khác đi nhưng người đó đã cho mình là thay đổi quá nhiều. Ai cũng nói không ai hiểu mình bằng mình, nội tâm ai người ấy hiểu. Nhưng rất tiếc lời ăn, tiếng nói, hành động mà một người đưa lại lại đang nói lên tất cả cái sự thay đổi từ bản chất của người đó tới đâu. Tất cả những hành động nhân danh (rất nhiều) từ trách nhiệm tới gieo duyên đều là việc làm của BCĐ hiệp thế. Với người tu học BCĐ siêu thế, Chứng ngộ Duyên khởi, hay Vô ngã dù mờ nhạt chi phần này cũng hiểu việc của mình phải làm là gì. Đặc biệt là cư sĩ, việc của mình là Hộ pháp mà thôi, giảng pháp hay gieo duyên là của các bậc giảng sư. Các sư tăng sư ni còn chưa dám đứng lên giảng, học trò có được tí lý thuyết giảng về Phật về Pháp như đúng rồi. Phần này xưa chính mình cũng vướng. Sau khi thấu hiểu ra, sợ không dám nói lung tung. Hoa chân múa tay nói, vừa có thể làm người nghe, người đọc hiểu sai về Phật. Mà hiện nay chính vì công nghệ thông tin mà Phật giả khắp nơi là như vậy. Còn khi hiểu, các bài gần đây, luôn phải trình pháp rồi mới dám đăng (bài này k trình vì bài này viết có cái tôi ở đó rồi,hihi). Chưa kể hãy quan sát sự thực của một người là việc đời còn chưa dứt, vẫn ham vọng công ty lớn, nhân viên đông, xuất hiện nhiều trên công nghệ thông tin đại chúng, đưa những tin nội dung không liên quan tới pháp học, pháp hành. Thật tiếc không phải là phạm hạnh của một người Samon chân chính. Chỗ này phải hiểu, các pháp tùy duyên mà sinh, tâm còn phóng dật ra bên ngoài còn ham thích, ước vọng. Đến người chăn bò, còn trả lại bò cho chủ khi nhận ra sự thực hành pháp đúng đắn là như thế nào. Với câu: “đổi tâm không đổi cảnh” cần hiểu được, nếu thực sự đổi tâm thì cảnh cũng tự đổi theo vì cái thân xác phàm này và những gì xung quanh nó đều do Ngũ uẩn kết hợp mà ra cả. Chỉ ai còn chấp chặt Ngũ uẩn thì Tâm vẫn vậy và cảnh cũng vẫn vậy. Hay đơn giản, nhìn bước đi, nhìn đôi mắt có thể đọc ngay được lộ trình tâm một người khi nói về một vấn đề. Bước đi khoan thai mà vững chãi tâm đặt ở chân mà ý không sinh khởi. Mắt không mở to, nhìn trái, nhìn phải khi có xúc về một thông tin đưa tới. Chưa kể tư thế kiết già lưng thẳng rất quan trọng khác hẳn với việc thả lỏng nghỉ ngơi thư giãn của toàn thân – lúc này cũng không có suy nghĩ, nhưng là không chú tâm vào đâu chứ không phải chú tâm không tầm không tứ là loại chú tâm có chú mà như không chú. Nhưng lại cứ ngỡ mình đang vào tam thiền. “Còn vui thích với trú xứ của mình hoặc của người, sự kiện tỳ kheo đó được giải thoát không thể xảy ra”. Mình đáng ra cũng cần tâm bất động với trú xứ của người mà thu thúc lục căn, chánh niệm trên thân. Nhưng tu học mà, cũng cần nghiêm túc Liễu tri các pháp trên các thông tin vô minh sinh khởi do Duyên xúc. Cũng thấy rõ các tà niệm đang sinh lên và diệt đi, chúng thật là vô thường, vô chủ, vô sở hữu.