Ngày đôi ta bắt đầu

Ngày em chưa biết yêu
Là trời cao đu mình qua ngọn gió
Những tia nắng rất nhỏ
Xuyên qua đám lá xanh
Rì rào ngâm nga lời thơ từ ngàn xưa vọng lại


Ngày em chưa biết yêu
Mưa là mát trong
Nắng là ấm áp
Gió khẽ nhẹ nhàng len qua mái tóc
Rất đỗi dịu dàng thơm lên má em


Ngày em chưa biết yêu
Con sông Hồng đỏ lặng phù sa yên ả trôi trong nắng chiều
Cánh cò trắng tìm đường về trước khi hoàng hôn kịp tắt
Em nhởn nhơ ngắm tia nắng cuối cùng
Giữ lại chút ấm áp
Của một ngày dài tự do


Ngày anh bước qua đầu làng
Với hoa gấm đón đưa
Rước thám hoa về vinh quy bái tổ
Là ngày ánh mắt em đuổi theo anh


Ngày em đã biết yêu
Hoa thắm nở sau vườn
Không giấu nổi ngàn hương đang thơm ngát
Gió cứ mang theo những lời ca đang hát
Nói về em, nói về anh


Ngày em đã biết yêu
Mưa kéo dài những vấn vương
Và nắng đong đầy sợi nhớ thương
Gió chẳng còn lặng yên
Rì rầm kể câu chuyện ngàn xưa nữa


Ngày em đã biết yêu
Má khẽ ửng hồng khi ai đó vô tình nhắc tên anh
Trái tim khẽ bồi hồi không chịu yên trong lồng ngực
Là ngày em mong thấy anh dù chỉ là một chút
Ngang qua cánh đồng lúa đang bát ngát xanh


Ngày chúng ta yêu nhau
Là ngày chúng ta bắt đầu
Kể tiếp câu chuyện ngày xưa đang kể …

Việc của mình là chú tâm nơi 4 xứ

Nhân loại cho rằng, năm uẩn là của ta, nên thật khó nói ai đó đem dao, cưa, kéo tự chặt, cắt đứt tay chân mình. Những người trải qua biến cố, hoặc đủ trải nghiệm (sống đủ lâu, hoặc gia đạo bấp bênh) thì cũng góc nào đó nhận ra 5 uẩn không phải là ta, nên có thể có tâm giải thoát. Tuy nhiên, hoàn toàn không có tuệ giải thoát vì họ không thể hiểu thấu suốt mọi góc cạnh (liễu tri) được chính điều đó hay có thể có cái thấy biết thấu đáo tương tự với các điều khác. Việc này chỉ có thể dựa vào thiền tuệ như chính việc dùng đèn đi soi tỏ đường đi.
Người tu đạo đừng vội sợ hãi vì không hiểu mình đang ở đâu, liệu có vào tà ma, ngoại đạo hay không. Hãy tinh tấn, thực hành chánh niệm liên tục, thiền định với phương pháp tứ niệm xứ thì dù có đôi lúc có bị nghiệp lực kéo đi một đoạn, thì vẫn như cái dây chun, tự trở lại là chính nó.
Thậm chí, người tu đạo cũng đừng vội phán xét người khác là sai đường, đi không đúng chánh pháp. Bản chất đường chỉ có một và thẳng tắp, k râu ria. Qua mỗi thời, mỗi thầy, với các tư kiến (tà tư duy, tà tri kiến – tư duy, hiểu hiết cá nhân) mà thành ra chúng được tô vẽ như dải dây buộc thêm cờ, thêm nơ treo lòng vòng trên cây thông Noel, thỉnh thoảng còn có những quả nhấp nháy mà người ta gọi nó là Đạo quả.
Tự mình nương tựa mình, nương tựa nơi chánh pháp. Soi tỏ lòng mình, không soi chuyện nhân gian, càng không nên bàn tới chuyện mà không giúp ích gì cho con đường tu tập chánh niệm của mình, đó là việc của tự nhiên và xã hội (nếu đủ năng lực hãy làm một cách không dấu vết, đừng làm anh hùng bàn phím, đừng dây máu ăn phần, hay hô hào ghê gớm để bành trướng bản ngã).
Việc của mình duy nhất: chú tâm liên tục nơi 4 xứ.

Tự do và hảo sảng


Bạn hãy quan sát những người làm công trình xây dựng, những cọc bê tông được đóng xuống, những kết cấu sắt thép được dựng lên, rồi sau đó người ta mới tiến hành những gì mà một căn nhà cần: xây, trát, tô vẽ, làm ngoại thất, nội thất. Và một ngôi nhà được hình thành với bắt đầu từ những cái cọc được đóng xuống, chặt chẽ, những kết cấu thép vững chãi, dày đặc, đan xen khéo léo.
Khi học đạo, tri kiến mà bạn tiếp thu được, thực sự tiếp thu, chúng cũng như cái những cái cọc bê tông, những cây sắt thép kia vậy. Những tri kiến chôn chặt, tạo nên tính cách, tâm tướng, hành vi, ứng xử của bạn. Những cái cọc bê tông còn dễ nhận ra, còn cái tri kiến cắm kim trong đầu bạn, để bạn theo nó mà vận hành kể cũng khó nhận ra lắm. Nhưng có một điều, tri kiến càng cắm chặt bao nhiêu, càng dày đặc bao nhiêu bạn càng mất đi sự tự do và hào sảng bấy nhiêu.
Tu tập không phải là để bạn tự tạo ra cho mình một cái lồng tri kiến, rồi nhốt vào đó một đống nguyên tắc: thế này mới là đúng thế kia là sai, pháp này mới đúng, pháp kia mới sai, hiểu thế này mới đúng, hiểu thế kia là sai… Rồi bạn cho rằng tất cả những ai ở ngoài cái lồng đó đều là ngoại đạo, đều là kẻ không trí, đều là mê mờ, đều là vô minh…
Đến đây bạn cho rằng: không thể thế được, vẫn có con đường đưa tới Niết bàn, và con đường đưa tới Thế gian. Vâng. Vì đó là sự thiết lập của tri kiến, nếu bạn k quan sát thấy khổ đau của Thế gian, sao có thể biết sự tồn tại của Niết bàn. Nếu bạn có thể hiểu đi qua mây trắng là trời xanh thì bạn hẳn sẽ như những chú chim đại bàng kia sẵn sàng bay trong sự tự do và hảo sảng, chúng bay tít trên trời cao, bay qua cả những đám mây trắng. Ở đó chỉ có đại bàng và bầu trời, và nắng, và gió nâng bước chúng.
Còn bạn, bạn sợ điều nọ điều kia, bạn cho như thế này mới đúng, nên không dám làm điều này, điều kia. Bạn mất đi sự tự do và hào sảng trong thực hành pháp. Bạn không dám đi sâu vào pháp, cũng không dám đi sâu vào đời. Càng không dám đập vỡ đi cái lồng bạn đã tạo ra, hay những ngôi nhà bạn đã dựng lên. Bạn tôn thờ một triết lý mình cho là đúng, bạn tôn thờ một vị thầy mà mình cho là đúng. Và bạn chết kẹt trong kinh nghiệm, tri thức của chính cái lồng bạn tạo ra đấy. Và bạn có thể hiểu được không: sự chấp thủ tri kiến này, dẫn tới sự huân tập của Danh Sắc làm mồi cho tái sanh như những cọc bê tông, sắt thép đã dựng lên làm nền tảng cho ngôi nhà mới vậy.
Phật đại diện cho sự Tỉnh thức.
Pháp đại diện cho sự Thật ngay bây giờ và tại đây, chân lý Vô thường, Vô ngã.
Tăng đại diện cho Duyên.
Chứ không phải là một vị Phật, vị thầy có hình thù, không phải một phương pháp có tính tri kiến cá nhân, và cũng không phải một nhóm người, một hội chúng rủ nhau luẩn quẩn tu cho vui, tu cho có hội, tu cho kiếm được nhiều tiền, tu cho được nọ được kia…v.v và mây mây…
Bạn có dám tự do và hào sảng như những chú chim đại bàng, một mình, sẵn sàng vươn sải cánh thật rộng, bay qua pháp, không bám vào pháp, không chấp vào pháp, chinh phục bầu trời – sự tự do đích thực, chân lý đích thực?

Bạn muốn chứng minh điều gì?


Bạn nhận ra các trò chơi, biết đó là trò chơi?
Sao bạn có muốn chơi mãi? Chơi đi chơi lại không chán? Bạn nói rằng bạn k phải vậy, bạn biết mình đang chơi?
Vậy bạn muốn gì ở các trò chơi thế gian ?
Bạn muốn chứng minh mình chơi giỏi?
Bạn muốn chứng minh mình k bị nó cuốn trôi?
Bạn muốn chứng minh mình bình thường và k khác thường?
Bản ngã bạn đang muốn nói nó làm được?
Nó làm điều thế gian k làm được.
Nó chơi trò thế gian k chơi được.
Nhưng cũng có thể là bạn đang đi vào một lối cụt trên con đường đạo mà bạn chưa biết phải đi tiếp thế nào.
Tu như không tu, k có nghĩa là không tu gì.
Tu k có nghĩa là thiết lập tâm hay 1 con đường mình cần đi, nhưng lại cần rõ ràng ở đích đến, rõ ràng ở tất cả mọi thân, thọ, tâm, pháp bạn đang trải qua, để thấy các pháp chân thật.
Tu là biết cái gì là tự nhiên, cái gì là cuộc sống, cái gì là đạo, cái gì là pháp thế gian. Tự nhiên là không thêm bớt. Pháp có cách tự vận hành của nó. Còn tác ý trên thế gian còn đi ngược tự nhiên và đạo vậy. Đừng kẹt giữa thế gian và đạo và bảo rằng đó là con đường trung đạo.
À mà thôi, hãy cứ tự nhiên như nó đang là, như là cách bạn đang nhận thức. Nếu bạn đã chọn chơi, hãy chơi cho tới bến, bất chấp được không, bỏ qua tiếng nói nhỏ trong đầu của đúng sai? Khi nào chán chơi thì dừng lại, có thể muộn, nhưng k còn hối tiếc. Cuộc sống và thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất mà.
Còn tôi, đang ngắm làn hương trôi qua những dấu vết tâm tư. Thế là đủ.
.
.
.

Mạng nhện

Khi nhận ra những dính mắc, việc đầu tiên phản ứng là muốn gỡ chúng ra. Giống như việc thấy con đỉa bám lên chân. Đầu tiên là sợ, là ghê, là nó hút máu, là eo ôi… Sau đó là loay hoay đi tìm cách, tìm phương pháp tháo gỡ. Có phương pháp rồi thì loay hoay thực hành tháo gỡ. Nhưng tháo gỡ những dính mắc tâm đâu có như nhặt 1 con đỉa ra đâu.

Rất nhiều phương pháp bạn đã từng thử, trong đó có mấy pp được truyền tai rộng rãi: cứ chánh niệm khít khao, sử dụng định để cưỡng chế tâm, quan sát nó như đang là, sám hối nghiệp, niệm vô thường – vô ngã ngay khi đối tượng sanh khởi … Về mặt nào đó, các phương pháp này đều đem đến hiệu quả. Nó giúp bạn xử lý một phần nào đó các cảm thọ đang sanh khởi nơi tâm mình, có đôi khi cảm thọ đó biểu hiện thành cảm giác rõ rệt trên thân nữa. Thực hành cũng thấy “nhẹ” đi nhiều, đến khi k thấy cảm thọ nữa thì bảo: hết duyên.

Người tu tập, nhận ra một cảm thọ sanh khởi nơi tâm mình, là đã một sự miên mật trong thực hành. Như trong bài trước đã viết, sự nhận ra đó, với pháp hành k rốt ráo, khiến hành giả rơi vào chán tu, hay sợ tu vì liên tục phải đối diện với cảm thọ sanh khởi, liên tục phải vận hành tâm với đủ các mong muốn tầm cầu, tâm muốn vượt thoát. Nhưng với nghiệp lực của luân hồi, thói quen sinh hoạt khiến hành giả dễ dàng từ bỏ. Thời gian nào chỉ xuất hiện trung tính thì cảm thấy thời giờ đó bình an, bất chợt một cảm thọ lạ nổi lên là lại loay hoay như con mồi sa lưới nhện, càng loay hoay càng dính, nằm im thì rốt cuộc lại cũng chịu bị dính.

Vậy lý do là do đâu, làm sao? Phải khẳng định là còn thấy đối tượng là còn có cái sanh khởi, còn thấy cái để từ bỏ sự dính mắc, còn cho rằng Tâm này là Ta, là của ta. Vì thế một loạt tri kiến được khởi lên: tâm cảm thọ, tâm không cảm thọ; tâm dính mắc, tâm không dính mắc; tâm làm được, tâm không làm được. Nhưng phải thật thấu đáo: Tâm này k phải là Ta, k phải là của ta. Nên tất cả các khái niệm: thọ, k thọ; dính, k dính; kẹt, k kẹt; từ bỏ, k từ bỏ… làm gì còn tồn tại. Khi rõ ràng như vậy, chẳng còn con mồi hay kẻ săn mồi, nên cũng chẳng còn mạng nhện. Như người sa hố sình, chẳng còn hố sình thì đâu còn người sa. Còn thấy cái này có, là còn cái kia có; khi thấy cái này không, thì cái kia sẽ không là vậy.

Trong thế gian này, còn thấy đối tượng thì còn tìm cách “từ bỏ”. Hiểu được cảm thọ là do duyên sanh thì tại đó thuận pháp. Hiểu được các duyên sanh rốt cuộc cũng chỉ là giả hợp từ danh sắc, chúng tương tác nhau mà thành, không có duyên sanh thì không còn điều gì sanh khởi, thì tại đó “núi vẫn chỉ là núi, sông vẫn chỉ là sông”. K có đối tượng để từ bỏ, k có người từ bỏ. Chỉ là mỗi chúng sanh hữu tình vẫn đang “thuận duyên” trôi hoặc bị kéo đi theo dòng chảy của nghiệp. Thế thế là thế, thế là không thế thế.

🤭
🤭

Ờ hớ, đôi khi thấy cái mạng nhện nó cũng long lanh đẹp đẽ lắm ấy, nên là chấp nhận làm con mồi nhỉ

Chán tu hay Sợ tu

Người tu tập minh sát một thời gian sẽ dần nhạy bén với các pháp “chưa sanh nay sanh khởi”, rồi mất rất nhiều công sức để chúng “đã sanh nay diệt” bằng nhiều pp khác nhau như dùng cảnh đổi cảnh, dùng tâm đổi tâm, niệm, ám thị, trò chuyện, định,… Rốt lại là vẫn loay hoay với từng thứ sanh khởi nơi thân tâm này. Nên có xu hướng Chán tu hoặc sợ hãi.

Chán tu vì tâm liên tục phải làm việc dẫn tới mệt mỏi hoặc chán nản. Không làm thì các thứ đó cứ lồ lộ ra, rất khó chịu, cứ thấy nó thường trực vậy. Rõ ràng Phật bảo nó vô thường, nó sanh diệt mà nó cứ đó, hết cái nọ tới cái kia, như sóng ấy. Tâm cứ phải liên tục để ghi nhận, rồi tìm cách đi qua. Muốn kệ lắm mà chẳng được.

Sợ tu vì một đống tri thức kinh nghiệm đã nạp vào: không tu thì luân hồi tái sanh, khổ đau đấy, tu mà k tới nơi tới chốn còn khổ hơn ng thường đấy, tu thế lạc đấy, tu thế là thế này thế nọ thế chai đấy. Tu thế tẩu hỏa nhập ma đấy… Rồi lại không chánh niệm, thất niệm là tèo đấy. Không định được à, k định được nghiệp quật đấy… Tâm sinh sợ hãi. Lúc nào cũng co quắp. Thực hành kiểu “hấp diêm” pháp vì cố làm cho được. Làm không được thì lại càng sợ. Mà làm được thì cũng vừa làm vừa sợ. Nên cứ là phải nương tựa vào Tam bảo, nương tựa vào Thầy, chẳng cả dám nương tựa vào chính mình.

👉

Túm váy lại, chưa thể “thấu tỏ” vô thường, dukkha, vô ngã, thì còn bận rộn xử lý đủ các thứ trần cảnh va đập liên tục vào lục căn lắm ấy. Ngồi mà niệm từng đối tượng sanh khởi là vô thường, vô ngã thì có mà chuẩn là hằng hà sa số kiếp cũng chẳng giác ngộ được vì các pháp là liên tục sanh diệt, có thuần thục cũng chỉ là cái biết ý thức thành thói quen mà thôi.

Nên là, thôi, đi lên núi với em. Em đây chưa cạo tóc thì em làm trùm leo núi á.

😆
😆

Trò chơi tri kiến của nguyện

Chúng ta ai cũng nhìn thấy các phần mềm, aps, web, ứng dụng… nhưng ít ai nhìn thấy ngôn ngữ lập trình đằng sau chúng. Mỗi chúng ta cũng vậy. Cái chúng ta thấy là hiện tướng thân tâm này. Nhưng đằng sau nó là gì thì chúng ta chỉ biết Phật nói là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Mỗi một phần mềm…, được viết bằng các câu lệnh, trong quá trình sử dụng, chúng bị lỗi gì, hay cần tương thích gì với người dùng thì người lập trình lại sửa đổi câu lệnh đó cho phù hợp. Các hoạt động đó là thêm, bớt, sửa, thay đổi cấu trúc, điều kiện, vòng lặp…

Còn chúng ta? Chúng ta đến một môi trường mới, chúng ta cũng sẽ lập trình lại các hành vi ngữ, nghiệp… để phù hợp với môi trường và con người ở đó. Khi chúng ta tiếp cận với một loại người, chúng ta lại dùng 1 tập hợp các lập trình tính cách riêng để tương tác với đối tượng đó. Chúng ta ước mơ, hay lập kế hoạch cũng chính là cách chúng ta tự lập 1 bản lập trình để đạt cái mục tiêu đó. Ngay cả tu tập, chúng ta cũng lập trình: tu thế này, thế này và thế này… Chúng ta hay gọi là vai diễn, hay có thể gọi là trò chơi của tri kiến cũng được.

Các nguyện trong đời sống cũng chính từ các trò chơi của tri kiến này mà thiết lập nên. Nó thiết lập thế này là tốt, thế này là nên làm, thế này là đúng, thế này là thiện, thế này mới là đạo, thế này mà tu… và ngược lại. Chúng ta cứ chạy theo các thiết lập đó để hành động, để suy nghĩ, để phát ngôn mà không biết mình đang làm con rối cho chúng. Chúng bảo sao thì ta làm như vậy. Mà không hề nhận ra, tất cả vẫn là thêm, bớt, sửa, đổi các cấu trúc lập trình đó. Phần mềm đó được viết đi viết lại dưới nhiều verson. Hoặc lại viết ra các tool để sử dụng hữu ích hơn. Cái vòng tri kiến vẫn chạy và lặp đi lặp lại một cách luẩn quẩn. Chỗ nào cũng cho rằng như thế này là đúng, góc nào cũng cho rằng như thế mới là tốt. Để rồi các câu lệnh cứ dài ra, dày thêm. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì nghiệp chồng nghiệp, sự huân tập danh-sắc không mỏng bớt đi mà chỉ có dày thêm và kéo tất cả rơi lại luân hồi.

Vậy thì chúng ta nguyện cái gì? Chỉ còn một nguyện duy nhất chúng ta cần thực hành là xả ly tất cả các pháp. Đó cũng là nguyện cho tất cả không còn dính mắc, ràng buộc, chấp trước vào bất cứ điều gì có mặt trên đời. Tại đó, chính chúng ta cũng tự đặt câu lệnh End cho bản lập trình tri kiến của mình một cách sớm nhất. Tự chúng ta cũng không tham gia thêm vào bất cứ vòng lặp tri kiến nào nữa. Chúng ta mới có thể đứng ngoài cuộc, thấu tỏ sự vận hành của nhân quả, cởi trói cho các tập hợp của 5 uẩn, đi gần hơn tới giải thoát là như vậy.

Trò chơi tri kiến trong cuộc sống còn nhiều lắm. Chúng ta thích chơi thì cứ chơi. Nhưng cần biết, các pháp xuất hiện (giống như việc một phần mềm, hay aps ra đời) cũng là sự huân tập đủ duyên để nó có mặt. Nó xuất hiện để sử dụng, để dùng trong hoàn cảnh đó, xong là xong, ra đi không dấu vết. Nó không phải của mình, càng không phải do mình tạo ra, mình cũng k thể áp dụng nó trong mọi trường hợp, với các loại đối tượng. Hãy thấm nhuần: các pháp là vô ngã, các hành là vô thường.

P.s: Mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện, đơn giản là các duyên, hay nghiệp. Tâm còn cho phép thì nó còn thiết lập để điều đó lặp đi lặp lại. Khi “nghiệp” cạn kiệt, và tâm k thiết lập nữa, thì mọi thứ nó sẽ đi theo cách của nó để kết thúc. Mỗi người đều có hành trình của riêng minh. Mỗi nhân duyên đều chỉ là vết cắt ngang trong mỗi hành trình của hành giả mà thôi. Nhận ra nó là như vậy, đi qua, không vương dấu vết.

Sự độc thoại hay trò chơi của tâm trí

Đã khi nào bạn ngồi một mình và quan sát não phải và não trái nói chuyện với nhau? Một bên nhận thức cảm tính, một bên nhận thức lý tính. Chúng cứ tranh cãi nhau như thế này là đúng, như thế này là sai, nên là như thế này, nên là như thế kia.

Nếu bạn có nhiều hơn cơ hội tự độc thoại, thì dần dần bạn sẽ trên con đường đi đến sự tự nhận thức, giác ngộ. Nhưng chúng ta có quá nhiều thứ cần bận tâm và cần xử lý mà cơ hội tự độc thoại ít dần. Chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện công việc, chuyện bạn bè và giờ thêm chuyện mxh… Các đối tượng đó lôi bạn đi giải quyết xử lý các vấn đề chúng đem đến cho bạn.

Bạn có thể nói tôi không giải quyết, tôi đang tu, tôi đang ngồi thiền, điều đó k liên quan tới tôi. Những việc đó không liên quan đúng theo kiểu duyên sanh diệt, tuy nhiên pháp thế gian, mối quan hệ là có thực và bạn cần phải giải quyết các vấn đề phát sinh từ chúng do sự góp mặt một nhân là của bạn, từ bạn. Đúng với “còn hiện hữu là còn khổ”, vì bạn vẫn là một nhân hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trong các duyên xúc bạn gặp. Bạn thực hành tu đạo không có nghĩa bạn gạt đi sự hiện hữu, hay nhân duyên của mình theo một trong hai cách một là trốn vào rừng sâu, hai là sống giữa đời nhưng không quan tâm tới bất kể cái gì. Bạn cần hiểu việc đến thì giải quyết, việc đi thì bằng lòng. Nhận biết rõ ràng chúng là các duyên sanh diệt, không có vướng mắc, chấp thủ chúng, chứ không có nghĩa từ bỏ, chối bỏ chúng.

Còn nếu bạn đã hiểu về duyên, về sự tự nhận thức thì bạn cần cho mình cơ hội thấy ra chúng. Không tự nhiên các vị tu hành xuất gia, chọn đời sống xuất thế gian, hay chọn đời sống ẩn tu, tịch tĩnh. Không phải họ sợ đối diện, không phải họ sợ duyên xúc, càng không phải họ không biết pháp thực hành giữa đời thường. Bạn còn biết, kinh sách nói rất nhiều, rất nhiều người biết, không có gì to tát ở đây cả. Mà các vị tu hành hiểu, nếu mất quá nhiều thời gian để tâm trí xử lý các vấn đề thế gian sẽ mất đi cơ hội tự độc thoại, hay nhìn vào bên trong.

Bạn thử quan sát chính mình xem, một ngày bạn đang xử lý bao nhiêu thời gian cho các công việc, cho fb, cho yêu đương, cho gia đình, cho con cái…? Bao nhiêu thời gian bạn ngồi tĩnh lặng một mình, lắng nghe mình, lắng nghe nội tâm? Bạn cho rằng mình biết cái gì đang xảy ra, đến đi với mình? Nhưng thực sự thì ai cũng biết, đó là cái biết của ý thức, cái biết của trí năng. Trừ khi bạn bị down thì bạn mới đang không biết điều gì đang xảy ra với mình vậy. Còn cái biết của rỗng lặng, cái biết của trực giác nó giúp bạn tự nhiên tỏa sáng, rạng ngời như bông hoa đẹp, gần gũi, đáng yêu, nó không có trí năng ở đó.

Bạn cho rằng bạn biết điều gì đang xảy ra? Cái biết đó là cái biết về đối tượng, thế gian pháp? Hay cái biết về cảm thọ đang sanh diệt nơi nội tâm? Cái biết dẫn đến sự huân tập của ngũ uẩn? Hay cái biết về sự không chấp thủ, dính mắc, để đi trên con đường giác ngộ, giải thoát. Nếu đã thực biết, vậy bạn sẽ biết đâu con đường cần đi, đâu là việc bạn nên làm và cần làm, có phải không?

🤣

Nhưng bạn vẫn còn biện hộ về quyết định của mình, về lựa chọn của mình, về hạnh nguyện của mình (sẽ nói về một hạnh nguyện hay trò chơi của tri kiến ở bài sau). Thực chất, bạn không thể cưỡng lại trò chơi của cảm thọ, trò chơi của tưởng, trò chơi của tâm hành, trò chơi của tri kiến. Những người thích yêu đương, ái niệm nhiều do không thể thoát khỏi trò chơi của cảm thọ. Những người thích khoe khoang, thích tán phét, thích các câu chuyện thị phi, vấn đề xã hội hay của ai đó do không thoát khỏi được trò chơi của tưởng. Những người thích kiếm tiền, thích làm việc, thích chăm sóc, quan tâm do không thể thoát khỏi trò chơi của tâm hành. Những người thích rao giảng, thích khuyên bảo, thích viết lách (như tôi đây ) do không thể thoát khỏi trò chơi của tri kiến. Do bạn không thể thoát khỏi các trò chơi này mà bạn cứ chơi đi chơi lại, lặp đi lặp lại – nó chính là luân hồi luôn đó ạ. Không phải đợi tới khi bạn chết, bạn tái sinh mới được gọi là luân hồi. Tái sinh ở đời sau của bạn, chỉ đơn giản là sự huân tập sâu dày của các sở thích, hay không thích khiến bạn không thể thoát khỏi trò chơi của sinh tử.

Cuộc sống đang diễn ra này là một loạt các trò chơi. Trong một loạt các trò chơi đó, bạn có thể chọn một trò để chơi – trò chơi với tâm trí – sự độc thoại. Nghe có vẻ điên rồ và tự kỉ. Nghe có vẻ như bạn đang không rỗng lặng được. Nhưng sự rỗng lặng thực sự chỉ đến từ các bậc giác ngộ, còn nếu không chỉ là tưởng. Bạn tưởng bạn rỗng lặng. Vì đơn giản, giữa xã hội đầy rẫy quay cuồng, bạn có vẻ tĩnh lặng hơn những người đang điên rồ với công việc, với gia đình, với tình yêu kia. Nhưng sự rỗng lặng thực sự chỉ đến sau khi bạn tự đối diện, bạn tự chơi trò chơi với tâm trí một mình.

Khi chỉ còn một mình, bạn gần như không còn sự bận tâm từ đối tượng bên ngoài. Những gì từ sâu thẳm bắt đầu nhảy ra, chúng hát hò, múa ca. Chúng nhớ lại các câu chuyện. Các cảm xúc từ đâu chạy về. Các yêu, ghét, giận, hờn ùa vào tâm trí. Thậm chí, những điều lâu lâu là lâu, tưởng như đã quên tịt hịt, bỗng hôm nay lù trước mặt như trêu ngươi bạn. Sự có mặt của chúng, bạn đâu có kiểm soát được, khiến tâm trí bối rối, khiến đôi khi hoảng sợ và lo lắng… Nhưng nếu bạn không dành cho mình những khoảng thời gian như vậy, từ chối cơ hội để chúng đến, để nhận ra sự tồn tại của chúng, thì bạn sẽ không thể biết được tâm trí của bạn hỗn loạn, dở hơi, thậm chí bẩn thỉu và xấu xa thế nào. Vốn bạn cho rằng mình rất thanh sạch, cao đẹp. Nhưng sự bất thiện lại luôn ngủ ngầm, như một con quái thú, khéo léo ẩn nấp, chờ đợi cơ hội vọt sinh.

Trò chơi của tâm trí không có thắng thua, không có đúng sai, nó chỉ đưa bạn gần hơn đến giác ngộ. Vì tại đó bạn nhìn sâu vào bên trong mình. Bạn nhìn thẳng vào sự thực đang diễn ra nơi nội tâm của mình. Chứ không phải chỉ là các vấn đề hào nhoáng, ảo ảnh bên ngoài. Trong trò chơi tâm trí, bạn nhận ra đâu là cái bạn đang ảo tưởng, đâu là cái chân thực còn lại, đâu là cái nó là, đâu là cái nó không là rõ ràng, cụ thể mà không phải cần đến từ bất kì một vị thầy, hay một cuốn sách nào nói với bạn.

😆
😆

Mỗi ngày bạn dành được bao nhiêu thời gian để tự chơi trò chơi tâm trí của chính mình? Hay, biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Trò chơi với cảm thọ

Bạn đang sống với giây phút hiện tại, hay đang tận hưởng giây phút hiện tại, hay đang chơi trò chơi với tâm mình? Như thế nào cũng đúng, nhưng ba sự nhận thức này sẽ đưa tới các hành vi ngữ, nghiệp, mạng khác nhau.

Bạn đang tận hưởng giây phút hiện tại? Bạn thấy mãn nguyện với tất cả những gì đang có, tất cả những gì thiên nhiên và người khác ban tặng? Trong bạn tràn lên một sự hoan hỷ lớn mạnh. Nhưng sự hoan hỷ này có điều kiện. Có điều kiện của ngoại cảnh và có điều kiện của tâm trí. Khi các giác quan của bạn tiếp cận với thế giới bên ngoài, các thông tin bạn nhận được phù hợp với các tư tưởng đã được thiết lập, bạn mãn nguyện, bạn hoan hỷ và bạn tận hưởng. Bạn đồng hóa đối tượng với mình, đồng hóa cảm xúc với mình. Bạn đang bị chúng dẫn dắt mà k hề biết. Bạn k muốn thay đổi ngoại cảnh, hoặc nếu có bạn tìm những ngoại cảnh tương tự để tận hưởng.

Bạn đang sống với giây phút hiện tại? Đây là một cảnh giới cao hơn và có vẻ tỉnh thức hơn. Vì bạn hiểu rằng, mỗi sát na trôi qua là luôn mới, thực ra nó là Dukkha, nó không đồng trục, nó có nét riêng (giải thích Dukkha ở dưới). Chính vì sự dukkha này mà mỗi sat-na đi qua đều có nét riêng. Vì bạn sống với giây phút hiện tại nên bạn tràn đầy phúc lạc. Bất kể đối tượng như thế nào thì bạn cũng tròn đầy như vậy. Bạn không còn bị phụ thuộc điều kiện nữa. Bạn nhận thức rõ lạc thọ, khổ thọ đến với mình. Lạc thọ bạn cho phép mình hỷ lạc với lạc thọ hợp pháp, khổ thọ đến bạn hiểu đó là điều cần đến và hỷ lạc với nó. Nhưng sự thực, một nét vi tế vẫn xảy ra nơi tâm thức của bạn: đây là lạc, đây là khổ. Bạn vẫn thích thú với những gì đây xảy ra. Bạn thích thú với cả trí tuệ của mình khi nhận thức được đấy là các cảm thọ.

Bạn đang chơi trò chơi với cảm xúc, cảm giác của mình? Nếu bạn là người tận hưởng thì việc bạn chơi trò chơi với cảm xúc, cảm giác của mình đang ở mức độ thô. Điều này khiến bạn phải tung lên, hô lên: ta đang chơi đây, thích thú lắm, vui lắm, đến đây chơi đi, hoan hỷ, hoan hỷ mà. Người đang sống với giây phút hiện tại thì có vẻ tĩnh lặng hơn, ý nhị hơn, không hô hào nhưng: hãy là như thế, hãy như thế, thế là thế. Thực ra, không thể nói với bạn rằng: bạn không thể không tận hưởng, hay bạn không thể sống ở giây phút hiện tại. Mà cái bạn cần #nhận ra là bạn có đang chơi trò chơi với cảm xúc, cảm giác của mình không?

Mỗi duyên xúc, do căn >< trần tiếp xúc, đều phát sinh thọ – cảm giác nơi 6 giác quan. Cảm giác từ 5 giác quan ban đầu có thể dùng sự tỉnh giác để dừng lại ở xúc chạm nơi giác quan đó, nhưng một sự rất vi tế thôi, lọt qua được, đi tới ý căn, thì cảm giác tại đó nhanh chóng được đi tiếp thành các cảm giác, cảm xúc mà bạn nhận thấy nó ở bên trong mình. Nên bạn thấy rằng mình không còn bị những gì thô thiển ở bên ngoài ảnh hưởng, tác động tới. Nhưng bạn lại cho phép cảm thọ đó được xảy ra nơi bên trong mình, cho chúng là hợp pháp, cho chúng là điều đó là cần phải có. Đúng rằng, là con người thì đó là điều không tránh khỏi vì điều đó đã diễn ra từ khi bạn có mặt trên cõi đời này, trải qua trăm ngàn kiếp luân hồi của bạn.

Chính suy nghĩ cảm giác, cảm xúc đó là điều tự nhiên, ai cũng như thế, thậm chí, mình đã không còn tâm phân biệt với bên ngoài, đây là điều bên trong, khiến bạn cho phép mình được chơi đùa với các cảm thọ đang sinh diệt nơi tâm mình. Sự cho phép đó khiến bạn có thể đặt bút viết thành nhạc, thành thơ ca, thành họa phẩm, cất lên những lời tràn đầy yêu thương, thành những hành vi đầy tính thiện, hồn nhiên. Bạn cho phép mình là thiên nhiên, thiên nhiên là bạn. Bạn cho phép mình được chảy ra, hòa tan, cũng như cho phép ai đó đi qua bạn như một ân huệ của thượng đế. Tại đó bạn dường như không thấy mình còn bản ngã. Vì vốn dĩ bạn hiểu rằng: bản ngã là có điều kiện, có hình tướng, có so sánh, có chủ – khách. Nhưng thực tế bạn chưa hiểu thế nào là #Vô_ngã.

Tứ thánh đế – bài kinh đầu tiên Đức Phật giảng cho 5 anh em Kiều trần như thì chỉ có vị (…) giác ngộ. Bài kinh thứ hai Vô Ngã Tướng, sau khi Đức Phật giảng, thì có thêm vị (…) giác ngộ – Nhập lưu. Vậy tại sao lại thế? Cũng chính là vì các vị kia chưa chấp nhận và vẫn còn cho rằng cảm thọ đó là tôi, của tôi.

Tâm – sự tập hợp của 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Chúng đơn giản là kết quả của các duyên sanh (xúc) giữa căn – trần. Các kết quả đó là dukkha, chúng vô thường, vô ngã. Vậy có gì mà nắm giữ, vậy có gì mà hoan hỷ, đâu có cái Ta hay Không Ta ở đây. Đã không như vậy, vậy có gì mà để chơi đùa, có gì mà cần giữ lại, nhặt lấy, gìn giữ hay thậm chí ngắm nghía? Có gì mà tràn hay không tràn, có gì mà hòa hay không hòa? Còn có gì ở đây không?

Bạn bước ra, ngoài cuộc với các cảm thọ đó, bạn không còn là nó, nó cũng không là nó. Một sự “xả lạc, xả khổ, diệt trừ hỷ ưu đã cảm thọ trước, không khổ – không lạc, xả niệm thanh tịnh, tâm thuần tịnh trong sáng toàn vẹn” nơi nội tâm của bạn – mà Đức Phật đã miêu tả là Tứ thiền – nó không chỉ xảy ra trong các thời tọa thiền, nó là cách sống thực sự của bậc Thánh. Tại đây, bạn mới có thể đi tiếp trên con đường thắng trí, chứng ngộ, giải thoát, Niết bàn, không còn trở tới, trở lui nữa.

🧘‍♀️
🧘‍♂️
🧘

Phong Cảnh

Núi vốn dĩ chỉ là núi, sông vốn dĩ chỉ là sông. Bạn đã kết hợp nó vào và đặt tên cho nó là Phong Cảnh.

Một mối quan hệ, dù được đặt tên dưới bất kì tên gọi nào, thì tại đó bản ngã đã được hình thành, bản ngã có mặt. Vì nó là một sự kết luận, một sự công nhận, một sự muốn người khác gọi tên và tôn vinh. Bạn càng cho nó cao quý bao nhiêu thì bấy nhiêu đã mất đi tính Không vốn có, tính vô phân biệt vốn có. Tại đó đã có tôi và của tôi. Tại đó có mặt của người trong mối quan hệ, người được trong mối quan hệ. Bản ngã vi tế khéo léo đã làm dày lên các tập hợp tính chất của mối quan hệ để bạn phải gọi nó bằng tên, để nó thỏa mãn. Cũng chính là để bạn tự thỏa mãn, thỏa mãn vì bạn có mặt, thỏa mãn vì bạn được.

Nên là không có thầy, không có trò, không có sư phụ, không có đệ tử, không có mẹ, có cha, không có con cái, không có vợ, không có chồng, không có người yêu, không có tri kỷ, không có chị, không có anh, không có em. Đơn giản chỉ là I và U. Dù là I đóng vai trò nào I vẫn là I. Dù bạn coi U đóng vai trò nào U vẫn là U. Sự kết hợp của I trong U tạo thành sự kết hợp của vũ trụ, một biểu tượng của sự hợp nhất.

Khi hợp nhất, không còn tồn tại I, và U tức là không còn tồn tại chủ thể và khách thể. Trong một mối quan hệ, đơn giản đó là các nhân duyên, các duyên xúc được sanh lên và diệt đi không ngừng. Bạn bắt lấy một “quả” sanh trong mối quan hệ đó, bắt đầu suy nghĩ, đặt tên, gán đối tượng cho nó, tại đó ý thức được hoạt động, tại đó nó không còn là nó, tại đó dòng chảy bị ngắt quãng. Tại đó bạn đã kéo cái toàn thể xuống thành cái cá thể và bạn tưởng rằng bạn được, nhưng thực ra bạn đã mất. Mất đi cái tính thuần khiết, tính dòng chảy, tính toàn thể.

Mặt khác, điều mà ai đó mang lại cho bạn, bạn vốn đặt tên cho nó rất cao quý: tình mẫu tử, tình yêu, tình bạn, tình thầy trò… điều đó đáng được bạn trân trọng và tôn trọng. Nhưng những cảm giác và tình cảm từ mối quan hệ đó mang lại đơn giản chỉ là chuỗi các quả (do duyên sanh của các tương tác giữa bạn và người đó) được bạn nhặt lên, cất giữ, ngắm nghía và lau chùi. Nếu bạn hiểu nó là duyên sanh thì bạn cứ đón nhận điều đến và đi là vừa đủ. Nhưng bạn lại cho rằng nó là ta, của ta, vì sự có mặt của bạn trong mối quan hệ đó. Để rồi bạn muốn nó long lanh theo cách của bạn, muốn thường hằng theo cái lung linh mà bạn cảm, muốn nó không có xây xước, va chạm bởi cả chính hai người trong mối quan hệ đó, lẫn một đối tượng thứ ba nào khác từ bên ngoài. Sự nắm giữ này khiến bạn tự đặt mình ràng buộc trong mối quan hệ, với tất cả các định kiến, thường kiến, tư kiến, tư tưởng… mà bạn có thể khắc họa lên nó.

Bức tranh về một mối quan hệ thực sự vốn dĩ là không màu, không sắc, không hương. Bản âm nhạc về một mối quan hệ thực sự vốn dĩ là những dấu lặng độc lập, bằng phẳng. Vì mỗi cá thể vốn dĩ đều là tính Không. Nhưng rồi, mỗi người tự cho mình một cá tính, một nốt nhạc để mà từ đó có quá nhiều tô vẽ, quá nhiều cung bậc, để rồi bạn tự cho mình cái quyền lấp lánh, và cũng tự cho mình cái quyền u xám, để rồi bạn phải nhảy nhót cao vống, hay quay cuồng chóng mặt, ủ dột với các nốt móc đơn, nốt luyến, nốt trầm. Như vậy đấy.

Chừng nào bạn có thể hiểu, sự có mặt của bạn, hay sự có mặt của bất kì hiện hữu nào, đơn giản chỉ là các tập hợp của 5 uẩn (danh và sắc)?