Thử quan sát lời nói

24_ngày_nhìn_lại_mình

Day 2: thử quan sát lời nói, bắt đầu với nói mà không có đệm ừ, à, ừm
Ngày 1 bạn đã thử như thế nào với việc dùng tay không thuận? Bạn có thể chia sẻ được không? Mình đã thử viết vài từ bằng tay trái như thế này. (ở ảnh)
Vì có thể nói chưa bao giờ mình viết bằng tay trái, nên mình đặt bút viết thật chậm. Nét sổ xuống, nét kéo lên, nét vòng tròn. Trước từng nét mình quan sát cái chủ tâm mình định làm gì và sau đó mình chầm chậm làm theo cái ý định ấy. Và thật là đẹp nhỉ. 🥰🥰
Khoảng khắc mình sử dụng tay không thuận, khoảng khắc mình chú tâm vào từng cử động của ngón tay, khoảng khắc mình theo dõi từng tác ý như một tiếng nói nhỏ trong đầu cho hành động của mình, khoảng khắc đó mình như đang được là chính mình ấy, không có nghĩ ngợi đâu đâu, không có dự định, hay tham cầu…
Và bài tập hôm nay: thử nói mà không có đệm à, ừ, ừm.
Việc loài người có được tiếng nói giao tiếp, có ngôn ngữ khác hẳn những loài động vật khác. Cơ mà đó cũng chính là điểm yếu, vì vậy các cụ đã đúc rút trong câu: lời nói đã nói ra thì không thể lấy lại được. Chúng ta thường nói theo thói quen, nghĩ sao nói vậy, nói cho sướng miệng. Nhất là khi nóng giận.
Ngày thứ nhất, chúng ta thử quan sát tay mình khi hành động. Ngày thứ hai, chúng ta thử quan sát lời nói của mình, bắt đầu bằng việc nhận ra các từ ừ, à, ừm… hay là các từ đệm thừa trong cuộc nói chuyện.
Để thực hành bài này, nếu khó, chắc là bạn phải kiếm một đối tác thực hành cùng. Hãy bật ghi âm, và nhớ dặn đối tác phát hiện ra lỗi ừ, à, ừm của mình hoặc tự bạn có ý thức về điều này, và nghe thử đoạn ghi âm xem.
Ngoài ra, bạn có cách thực hành nào khác, và sẽ thực hành như thế nào khác thì mai mình lại cùng chia sẻ nhé.
Chúc cả nhà một tuần an lành.
🥰🥰

Sử dụng tay không thuận

24_ngày_nhìn_lại_mình

Day 1 – sử dụng tay không thuận
“Đừng để thời gian bên nhau là thói quen”. Chúng ta đã từng được dạy thành công bắt đầu từ những thói quen nhỏ, hay 21 ngày hình thành một thói quen… Nhưng có một điều khi thói quen đã thành lối mòn, thành một thứ mà chúng ta tưởng như là tự nhiên thì chúng ta lại sẽ không để ý tới nó nữa.
Hãy quan sát khi chúng ta mới tập đi xe, chúng ta sẽ rất chú tâm vào việc chân chúng ta phải co, duỗi, đạp xe ra sao; tay chúng ta phải giữ cái ghi đông như thế nào; mắt chúng ta nhìn về phía trước để ý từng ổ gà, ổ chó… Còn khi chúng ta quen rồi? Có khi là thả tay, có khi cho cả chân lên tay lái, và đặc biệt là “thả hồn”. Giờ bạn thử đạp xe đi qua cánh đồng lúa đang thì con gái, qua cánh đồng sen buổi sáng sớm mà xem… hồn bay lơ lửng, vài cảm xúc xuất hiện, có thể là thơ, ca,…
Việc tập sử dụng tay không thuận, chính là cơ hội để chúng ta chú tâm vào các cử động trên thân thể mình, có cơ hội quan sát tâm trí mình đang “ra lệnh” cho khớp ngón tay phải viết chữ O mà nó lại thành chữ Ơ ra sao.
Bạn thử thực hành xem nhé. Và nếu có thể hãy chia sẻ lại trải nghiệm cho mình hoặc ghi lại vào một cuốn sổ nhỏ. Ngày mai mình cũng sẽ kể lại trải nghiệm của việc thực hành này.

Thay đổi thói quen uống trà

“Sướng quen rồi, khổ không chịu được” là để chỉ, khi bản ngã chúng ta được trải qua lạc thọ, được tận hưởng sự thích thú, dễ chịu, thì thật khó để quay lại cảm giác khó chịu trước đó. Sự lạc thọ, thích thú có được là do thói quen, được rèn luyện, hay quan điểm cho rằng để rồi tâm thức ghi nhận nó là phù hợp là thích thú.
Cả trăm năm nay, người Việt uống trà chát như một thói quen, và thích thú trong khẩu vị của mình. Chúng ta sẵn sàng bỏ qua việc chất tanin và cafein có hại trong cái chất chan chát đó không tốt cho hệ thần kinh, hệ bài tiết ra sao, chỉ miễn thấy nó thích thú là được. Cảm giác chát đó sau khi đi qua cổ họng được kết hợp với enzym có sẵn trong khoang miệng thì cho vị ngọt mà người ta gọi là ngọt hậu. Và “khổ trước, sướng sau” như một lập trình vượt khó của mỗi người, như sự tự động viên an ủi mình, hay tự mở ra một tia hy vọng ở thì tương lai. Và cho rằng đó mới là đạo. Nhưng có là đạo chăng khi trong đời thì chối bỏ thực tại – chấp nhận khổ đợi hay hy vọng ngày mai, còn trong trà thì chấp nhận không có lợi để khẳng định triết lý cá nhân của mình?
Một người có đạo, là người biết phiền não hay bình an cũng là hai mặt của một vấn đề. Và người hiểu về trà thì hiểu rằng, chát hay ngọt có trong trà cũng chỉ là một cảm giác do tuyến vị giác ghi nhận khi xúc chạm với đồ ăn, thức uống. Người có đạo, biết dùng phiền não để tu hành, đối diện thực tại và đi qua thực tại, thấy bình an ngay trong sóng gió. Cũng như người uống trà, biết chất chát bất lợi cho sức khỏe, mà dùng cách lên men, khử bớt chất chát, vừa có lợi, vừa không phải đợi qua cổ họng mới thấy ngọt.
Chúng ta có thể giữ mãi một thói quen và một tư tưởng cũng được. Đó là cách chúng ta vẫn đang sống. Nhưng cuộc đời này, vốn được sinh ra để chúng ta trải nghiệm và đi qua, không lưu luyến, hay giữ lại bất cứ một quan điểm, một tư tưởng, một định kiến nào cả.
Khi bạn được trải nghiệm, nhất là với trà, đủ tĩnh tại, đủ sâu lắng để nhận ra sau mỗi trải nghiệm ở từng phút giây mọi thứ đều luôn mới và có nét riêng vậy. Một lần uống trà ở Vô Tứ thì cứ thích uống mãi, hoặc được thưởng thức vị thơm ngon khác lạ qua từng chén trà là như vậy.

Đời hay Đạo?

Người mang danh tu tập rất bị cái kiểu lựa chọn Đời hay Đạo để đi theo?
Đi theo Đời cũng là ảo tưởng.
Đi theo Đạo cũng càng là ảo tưởng vậy.
Đời thì ảo tưởng công danh, lợi lộc, tiền bạc.
Đạo thì ảo tượng đạo quả, tầng thiền, Niết bàn, giải thoát, không khổ đau.
Trong khi chẳng có cái gì được đặt tên là mấy thứ đó cả.
Mang trong túi 100 đồng thì mua được rau và thịt, mang trong túi 10 đồng thì chỉ mua được rau thôi. Đòi cả rau cả thịt, đòi có cái nọ cái kia, chẳng khác bắt cá leo cây.
Mỗi ngày ngồi thiền là ngồi thiền, kinh hành là kinh hành. Làm cái gì là làm cái gì. Chứ làm cái gì không phải là để có cái gì, đạt cái gì.
Bỏ cái nọ lấy cái kia là ngu người rồi. Lại cho rằng ta làm mà k tham sân si, k mục đích thì càng ngu hơn.
Nếu mình chỉ thấy mình trong sáng, thánh thiện, tốt đẹp -> kẹt mẹ nó lại đó. Mình thấy mình bất thiện, như bãi sình, hôi rình thì lại còn biết mà bước qua. 🤣🤣
Cơ mà đời chỉ thích được chưng diện, ca tụng, và ru ngủ.
Ôi thương 🥰🥰🥰

Cuộc sống đơn giản

Cuộc sống thật đơn giản
Đến đi thật vô thường
Có mặt hay không có
Chỉ một niệm là buông
Ngã hay không, chấp trước
Chỉ để tạo vai trò
Không còn gì quan trọng
Ngã đó cũng tàn tro
Tướng đủ duyên mà hiện
Nhân hữu ý hữu tình
Là còn chìm bể khổ
Vì ái luyến vô minh
Tâm có sầu có khổ
Vì mong ngóng hữu vi
Thêm tương lai quá khứ
Còn oan trái thị phi
Tâm như đài gương sáng
Không duyên không hữu tình
Nhân không mang tạo tác
Đẹp mãi ánh bình minh

Đàn kiến và miếng tóp mỡ

Khi bạn cho một miếng tóp mỡ vào chỗ đàn kiến thì lập tức chúng bu lại. Tâm trí ta cũng vậy. Vì một niệm thôi, các thức nó cũng bu lấy để nhằm biện minh cho mình.
Bản ngã luôn luôn dùng cách hạ thấp người khác bằng mọi cách để chúng có thể đứng lên ngày một cao hơn.
Thấy biết tam thiên đại thiên thế giới gì gì không quan trọng bằng thấy ra sự láu cá trong bản ngã của mình. Mọi nhân danh, mọi mượn cớ đều chỉ nhằm ngụy trang cho bản ngã vậy.
Tốt nhất ai thích hào quang thì nên tung hoa cho họ. Không cần thả thêm cho họ một miếng tóp mỡ, để toàn bộ các thức của họ phải chạy lại để bản ngã được cơ hội trổ tài và tỏa sáng.
Định thử làm miếng tóp mỡ mà bị kiến cắn cho đau phết. Hihi. Lần sau nhớ tránh xa cho lành.

Vô đề

Mỗi người một căn cơ đúng ra một hệ lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) khác nhau, trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc chạm, thông tin) qua lục căn đó mà dù không có mặt của bản ngã cũng đã có sự tương tác khác nhau rồi, nên vì thế mà không cần xảy ra tranh luận về thế giới với một ai đó, mà tự mình thấy, tự mình biết, tự mình nhận ra cái nào đang như thế nào nào mà tự bình chỉnh mình vậy.
Sự quan sát xảy ra ngay tại đó, bấy giờ, giống như một cái máy ảnh sao chép, ghi nhận lại và không thêm bớt. Và thường thì chúng ta vẫn ca ngợi về việc nhận biết thực tại. Nhưng nếu thực sự chỉ nhận biết thực tại thì mỗi phút giây là luôn luôn mới, mỗi sự kiện là luôn được đi qua và không lưu lại dấu vết. Sự không lưu lại dấu vết bao gồm cả không để lại trong tâm trí, bao gồm cả không tồn tại cảm xúc của việc nhận biết sự kiện đó, bao gồm cả sự cho là đúng sai, tốt xấu đối với sự kiện. Chính vì vậy mà người sống với thực tại luôn biết cái thực tại đang xảy ra, vui với cái thực tại, luôn mỉm cười vì họ đang được thấy sự diễn tiến thay đổi liên tục của việc biến đối trong sự tương tác giữa mình và thế giới.
Thực tại là không có truy hồi, không có tính toán cho tương lai nên một sự kiện có mặt cũng không gợi nhớ bất cứ điều gì có mặt trong quá khứ cũng như vọng tưởng, suy luận một cái chưa xảy ra, hay một quả chưa tới. Chính vì vậy, một câu nói “anh yêu em” cũng thực là đã cũ, vì trạng thái đã xảy ra, câu nói đã nói xong. Huống hồ là một câu chửi, phỉ nhổ… Nếu còn để sự truy hồi có mặt, thì đã là không sống với thực tại vậy.
Mọi lỗi lầm nếu thật sự có thể bỏ qua được thì đã là bỏ qua như cách người sống với thực tại vậy. Nhưng một thông tin đã lưu giữ và cất giấu để chờ ngày góp gió thành bão thì sự chấp trước, và bản ngã đã thật sự khôn khéo. Nếu không được gỡ thì quả bom nổ chậm này nó thực sự nổ chết bạn trước. Đừng nghĩ điều mình cho là không đúng sẽ là không đúng với ai đó, mà sự thực hận thù nung nấu trong bạn nó sẽ làm bạn vỡ vụn từ bên trong.
Dù bên ngoài bạn có đẹp đẽ thế nào, thì bạn đã không được sống khi bạn không thể sống như một người nhận biết thực tại mà chỉ có thể nói về nó.
P.s: qua uống vài tách trà, cảm nhận từng vị giác lan tỏa, giữ lấy sự miêu tả và giữ lấy trạng thái cảm nhận đó, vì nói ra nó đã không còn như thế nữa đâu 😅

Cho là

Khi bạn cho một miếng tóp mỡ vào chỗ đàn kiến thì lập tức chúng bu lại. Tâm trí ta cũng vậy. Vì một niệm thôi, các thức nó cũng bu lấy để nhằm biện minh cho mình.
Bản ngã luôn luôn dùng cách hạ thấp người khác bằng mọi cách để chúng có thể đứng lên ngày một cao hơn.
Thấy biết tam thiên đại thiên thế giới gì gì không quan trọng bằng thấy ra sự láu cá trong bản ngã của mình. Mọi nhân danh, mọi mượn cớ đều chỉ nhằm ngụy trang cho bản ngã vậy.
Tốt nhất ai thích hào quang thì nên tung hoa cho họ. Không cần thả thêm cho họ một miếng tóp mỡ, để toàn bộ các thức của họ phải chạy lại để bản ngã được cơ hội trổ tài và tỏa sáng.
Định thử làm miếng tóp mỡ mà bị kiến cắn cho đau phết. Hihi. Lần sau nhớ tránh xa cho lành.

Bạn đã bỏ đi được gì?

Trách nhiệm, tri kiến, hào danh… bạn đang giữ và ngày càng thêm lên được bao nhiêu điều? Mỗi điều có được bạn lại đang gồng mình lên bỏ thật nhiều tâm huyết, thời gian, sức khỏe để dựng xây, thành toàn cho nó?
Từ việc luyện tập cho khỏe, từ việc ăn cho sạch cho bổ, tới việc tham gia các lớp học kỹ năng, thậm chí ngồi thiền, đi vào thế giới tâm linh… tất tần tần cũng chỉ nhằm mục đích để sống lâu, để vui vẻ, để bình an, để làm việc tốt hơn, để có nhiều lợi lạc hơn cho đời sống thế gian này. Có phải đó là điều bạn mong muốn không?
Rất tiếc Đạo lại không phải là sống tốt Đời, càng không phải là trò chơi của bản ngã và tham ái.
Đường này đến Thế gian
Đường kia đến Niết bàn
Hãy khéo léo nhận ra sự ngụy biện của bản ngã về sống tốt đời đẹp đạo.
Thay vì đổi lấy cái này, để có được cái kia từ giờ mỗi tháng, mỗi năm chắc nên có bảng báo cáo đã bỏ đi được cái gì thay vì thêm lên được gì nhỉ?

Các bạn có còn mơ không?

Các bạn có còn mơ không? Mơ thoát khổ, mơ thoát tái sinh luân hồi, mơ đắc thiền, mơ trạng thái bình an, mơ trạng thái vắng lặng, hay mơ một cái tuệ giác mơ hồ? Nó cũng đâu khác các cô bé 15, đang ngồi ngắm trời xanh mây trắng và mơ về chàng hoàng tử cưỡi con bạch mã?
Không thể tự nói tôi đang không mơ, tôi đang không nghĩ như vậy. Bản ngã núp kín nhanh lắm. Và tôi cũng không thể chỉ ra cho bạn được. Chính bản ngã là cái làm bạn không thể thấy những thứ khác, nó che đậy bạn, nó như một thứ lớp màn sương mờ, như một giai điệu du dương, khiến bạn cứ ở đó, ở đó mãi mãi và không muốn bước ra ngoài kia, ngắm trời xanh và mây trắng thật sự.
Hãy đi qua cả những giấc mơ mà bạn cho rằng nó là cao đẹp nhất. Hãy bước ra và ngắm nhìn nhân gian để thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, mây trắng vẫn là mây trắng, trời xanh vẫn là trời xanh. Đừng hô mọi thứ chỉ là Cảm thọ, đừng hô mọi thứ là Vô thường, đừng hô mọi thứ là Không, đừng hô tôi Vô ngã.
Các giấc mơ về tu tập, về giải thoát, về thoát khổ, về đạo quả…cùng đống kiến thức chất chồng, chúng chỉ làm bạn chìm đắm trong giấc mơ, trong tưởng, trong suy nghĩ của chính mình mà thôi. Dù bạn là người có nhiều kiến thức Phật Pháp, nhưng khi bước vào hành thiền thì không cần suy nghĩ về chúng nữa. Đừng cho đó là Chánh tư duy, đó chỉ là đang hồi ức, đang nhớ lại thông tin, chứ đang không thấy được điều gì đang diễn ra nơi Thân Thọ Tâm Pháp của bạn, sau khi Trần cảnh đã đi qua cửa 6 giác quan.
Đừng nghĩ rằng mình làu làu, thấu tỏ về pháp và chỉ cần cứ nghĩ về vô thường, vô ngã là được. Đừng cho rằng chỉ cần một Thọ khởi sinh gán cho nó 1 niệm vô thường, vô ngã, sinh diệt là xong. Cho dù có lần lần tràng hạt, miệng lầm rầm niệm vô thường, vô ngã, sinh diệt cả nghìn lần, tin tưởng rằng làm vậy sẽ hiểu hay thấy được vô thường, vô ngã. Đó là điều không thể. Điều này không khác gì như lệnh gán giá trị VAR trong lập trình. Bạn đã để tâm biết ý thức, một tri thức do học hỏi có mặt, một sự đặt tên có mặt. Nó không phải là cái mà bạn cho rằng đó. Bạn chỉ có thể thấy nó, đơn giản là thấy nó. Nhưng thường thấy được nó rồi, bạn lại bắt đầu suy nghĩ về chúng; đừng suy nghĩ, vì suy nghĩ làm mất sự thấy đó. Hãy thấy nó như nó đang là với cái tâm rỗng lặng, trong sáng không khởi lên bất cứ điều gì, không có cả chánh tư duy hay chánh tri kiến gì ở đây hết.
Uhm, còn nếu thấy loằng ngoằng quá, thôi thì cứ mơ đi, cũng được.