Đừng nhầm lẫn về Không và Không gì cả
Bao nhiêu năm học và tu đạo, điều mà tôi hay gặp nhất là sự chấp Không. Ăn cái này à – không sao hết. Làm cái này à – không sao hết. Kế hoạch kinh doanh à – không cần. Tiền à – không cần…. Nhiều lắm. Có thể ngôn từ không diễn đạt chuẩn lắm, nhưng tất cả là chẳng có gì quan trọng cả, sao cũng được.
Thực ra, cái quan trọng ở đây đang nhầm lẫn về các khái niệm Thế gian pháp và Đạo pháp.
Thế gian có đủ ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, có đủ tứ đại đất nước gió lửa và cả khí, có đủ 4 phương 8 hướng và 4 mùa xuân hạ thu đông (ý nói nhiệt độ). Chúng vận hành theo quy luật của tính chất của chúng, theo sự tương tác của chúng với các đối tượng liên quan. Ví dụ nước trên 100 độ ở thể khí, từ 0.1-99.9 là thể lỏng, dưới 0 độ là thể rắn.
Duyên sinh của thế gian là có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia. Không phải mọi thứ có hai mặt mà nó là sự đối lập hay lưỡng cực của một pháp thế gian, tổng hòa là 100%. 1 cốc nước đầy là có ngần này nước, nếu thiếu Xml thì nó sẽ không đầy, muốn đầy thì thêm Yml chất lỏng hay thể tích vật rắn thả vào.
Tổng thể con người là ngũ uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là cấu thành 5 nhóm duyên mà hình thành cá thể người hiện tại. 5 tập hợp Danh Sắc này ở mỗi người sẽ cho người đó hình dạng, tính cách, quan điểm, lối sống khác nhau. Không cá thể nào giống cá thể nào. Có chăng có sự tương đồng ở vài điểm, hay nhiều điểm, nhưng vẫn là không đồng nhất. Cái này Phật đã dùng từ Dukkha – sự không đồng nhất, đồng trục để nói (chứ không phải Dukkha là khổ đau, khổ sở)
Có một sự thực là ta đang biết những gì xảy ra quanh chúng ta, trừ khi bị down. Nắng mưa, nóng lạnh, ngày đêm, mềm cứng,… Tất cả những điều này chúng ta biết thông qua 6 cửa giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tại đây có một chu trình rất hay. Chúng ta biết và đối chiếu so sánh với các uẩn để đưa ra các kết luận. Và nó mang tính cá nhân, hay chủ quan là vì sự so sánh, đối chiếu dựa trên dữ liệu trong các uẩn của chính chúng ta. Nếu chúng ta thay đổi bộ đối chiếu, so sánh thì nó sẽ là các kết quả sẽ thế nào đây?
Có một sự thực khác nữa, là những thứ xảy ra quanh chúng ta nó vẫn đang xảy ra, dù có chúng ta hay không có chúng ta. Nó vẫn vận hành theo cách của nó.
Nhưng một sự thực khác khác nữa, nếu chúng ta là một nhân tố trong nó, thì sự vận hành của nó có yếu tố của ta, và ta hiển nhiên có vai trò trong chuỗi duyên sinh của chúng.
Ví dụ thế này: có một căn nhà. Nó gồm gạch cát xi măng ngói sỏi… theo thời gian nó sẽ dần cũ kĩ, bụi bặm. Không có ta ngôi nhà vẫn tồn tại và theo thời gian có thể không tồn tại như quy luật tứ đại của nó. Nhưng nếu ta là chủ nhân của nó, nay ta thấy chỗ này thủng, dột, ta vá víu nó lại – mưa gió không dễ làm bào mòn nó. Hoặc ta là người thuê nhà. Ta phải bỏ tiền ra để sử dụng, nếu không thì hết tháng, xin mời bạn đi.
Chúng ta không nằm ngoài quy luật của tứ đại và sự cấu thành của ngũ uẩn. Chúng ta hằng ngày vẫn tiếp nhận 6 loại thông tin tới từ các cửa giác quan – đó là sự thực không thể thay đổi khi chúng ta đang còn là thân người.
Hãy hiểu một cách rất đúng đắn về Không hay Không gì cả. Nếu bạn nằm trong chuỗi nhân duyên của sự kiện, tự phủ nhận chính mình đó không phải là vô ngã mà chỉ là một người thiếu Trí Tuệ. Cái mà bạn có thể làm, là các thông tin khi đi qua 6 cửa giác quan, không bị các đối chiếu mang tính Ta, của Ta xảy ra, để đẻ cành, đẻ nhánh trên các tư kiến, định kiến hay suy diễn mang tính cá nhân nữa mà thôi.
Cái mà giúp chúng ta có thể điềm nhiên là có trí tuệ. Ngay từ trí tuệ đã gồm cả Trí và Tuệ. Trí là tri thức kinh nghiệm thế gian, là sự hiểu biết về sự vận hành của tự nhiên, của vạn vật. Tuệ là thấu hiểu về Vô thường, Vô ngã – các pháp dù có vận hành ra sao thì do duyên mà sanh, do duyên mà diệt nên Vô thường, không có ta nó vẫn vận hành nên là Vô ngã.
P.s: Một người có trí tuệ là một người hành xử đúng đắn cả Trí và Tuệ, chứ không phải thấy con bọ cạp vẫn đưa tay ra cho nó cắn rồi bảo đó là duyên. Ký một hợp đồng, vì Covid, không có khả năng thanh toán và bảo đó là Vô thường, Vô ngã.