“Thấy chỉ là thấy” hay “tu học để thấy ra” thì là thấy ra điều gì?
Hẳn nhiều bạn đang tu học đã nghe câu: “thấy chỉ là thấy” và hiểu thế là được, thế là đủ. Việc “thấy chỉ là thấy” này không bàn về việc thấy đó là vô tri – bất kể chúng sinh nào cũng có thể “thấy chỉ là thấy” , không phát triển trí tuệ cho người tu học, mà cần nhìn nhận bản chất: “thấy chỉ là thấy” và “nghe chỉ là nghe” tức là dừng lại cái “tâm viên ý mã” – tâm như con vượn và ý như con ngựa sẵn sàng lao ra phóng ra khi thấy, nghe … hay cụ thể là khi các giác quan tiếp xúc với cảnh bên ngoài, không phát triển thêm tư duy, tư tưởng nữa.
Ngoài ra, việc “thấy chỉ là thấy” mà lại là thấy cái tâm mình – vô cùng nhiều người đang thấy như vậy, thì chỉ là thấy phần sau của một lộ trình tâm hay là thấy cái ảo tưởng bản ngã. Ví dụ như: khi nhìn thấy một cô gái đẹp, thấy mình muốn nói chuyện với cô gái ấy; hay khi nhìn một món hàng thì thấy cơ hội kinh doanh ở đó; hay khi đọc tới một tút ai đó đang nói mình “tu học vô tri” thì thấy cái tâm mình nó đang nhảy cồ cồ lên…. Nó là phần sau và chậm một nhịp. Và ảo tưởng đó nhẹ nhàng còn ít bị lôi đi, ảo tưởng đó thuộc chấp thủ thì lôi tuột luôn.
Và “tu học để thấy ra” là thấy ra điều gì?
Mượn vài đoạn trích của thầy Viên Minh cho rõ ràng:
“Ngay bài giảng đầu tiên cho 5 vị Kiều Trần Như, Đức Phật đã chỉ ra 4 Sự Thật. Nếu ngay trong mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày mà thấy ra 4 Sự Thật là giác ngộ chứ không phải tu luyện để trở thành điều gì. Chữ “Giác Ngộ” có nghĩa là thấy ra 4 Sự Thật. Đức Phật tuyên bố giữa Chư Thiên, Phạm Thiên và loài Người rằng: “Do thấy ra Tứ Thánh Đế nên Như Lai đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” .
“Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” tức thấy ra Tứ Thánh Đế, mà thấy ra Tứ Thánh Đế tức ngay đây thấy đâu là Tập Đế, Khổ Đế; đâu là Đạo Đế, Diệt Đế. Thấy ra Sự Thật này là giác ngộ chứ không phải rèn luyện để trở thành sở đắc nào để bám trụ. Nếu có tu thì tu chính là “thấy và buông” những trói buộc dính mắc mà đức Phật gọi là “Nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ Niết-bàn”, chứ không tu để đạt được gì. Đó là tinh thần “vô sở trụ” hay “Vô Thủ Trước Niết-bàn”.
Trích: “Hãy lắng nghe bước chân”