6W1H (what, who, why, which, where, when, how)
Mỗi chúng ta được dạy lập trình sẵn bộ câu hỏi này với Thế gian. Nhưng với Đạo, bộ câu hỏi này vô tình làm dừng lại dòng chảy của nó.
Có một vị thiền sư chia sẻ: khi hành thiền, các thông tin cảm giác đi qua cửa các giác quan cũng giống như các vị khách đi qua cửa trong một bữa tiệc. Khách mời đến liên tục, liên tục. Chúng ta là chủ nhà. Nếu ta dừng lại tiếp một vị khách nào đó, trò chuyện ôn lại chuyện quá khứ, tương lai thì chúng ta đã bỏ lỡ các vị khách khác. Việc của chúng ta chỉ là liên tục chào các vị khách quý đó bằng sự ghi nhận trực tiếp giác quan hay trực giác, mà vắng mặt đi sự đối chiếu, so sánh, diễn giải, trò chuyện về quá khứ hay tương lai.
Ngày tôi đọc các lời của vị thiền sư trên, tôi chỉ hiểu, hiểu vậy thôi. Vì cảm giác đến không ngừng, như một rừng hoa bạt ngàn, mà tôi như loài ong, bướm, bông nào cũng muốn xà xuống, ngắm nghía, chạm vào nhau một cái. Dù ý thức, cảm thọ này không phải là Ta, không phải là của Ta. Nhưng cảm thọ như loài hoa, liên tục chạm rồi buông có mất gì. Có thể nói, là sự tham si vi tế, sự thực hành thuần thục, khiến cho bạn là một người chơi thực sự tài giỏi trong trò chơi với lửa này, bỏng một chút không xá chi vì nó cũng chỉ là cảm giác.
Nhờ sự thực hành quán sát 6 xúc xứ, rồi tôi cũng ý thức hơn về các cảm thọ đang sinh khởi. Tôi không chơi với chúng nữa. Chúng liên tục đến và đi vậy thôi. Nhưng đôi lúc, tôi lại tự hỏi: liệu mình có đang ảo tưởng, đang tự huyễn hoặc, đang bỏ lỡ, đang đánh mất… điều gì không? Dù ý nghĩ đó đến rất nhanh, và ra đi rất nhanh. Nhưng có lẽ nó vẫn xuất phát từ 6W1H. Cảm thọ, ngay từ đầu đã chỉ là một cảm giác do sự tương tác căn trần. Nó dukkha, vô thường, vô ngã. Vậy còn đặt câu hỏi thật, hay giả, thường hay không thường ở đây để làm gì? Rốt lại, nó xuất phát từ sự mong muốn hoàn thành, trở thành, đạt được một điều gì đó mà bạn cho rằng như vậy mới là tròn vẹn, như vậy mới đúng, như vậy mới đáng, nên là thế.
Sự thực hành quán sát 6 xúc xứ của tôi dần cũng được liên tục hơn. Trạng thái của mình cảm tưởng như sẽ không dừng lại, nó như 1 dòng chảy liên tục liên tục, liên tục vậy. Nó không truy hồi, nó không tự hỏi với các câu học 6W1H nữa. Nó liên tục sinh và mất. Không dừng lại ở một cái cảm giác gì, để rồi mà nâng niu, ngắm nghía, và kết luận chúng. Vì không kết luận mà không nhận lấy, không thêm lên, không cắm thêm 1 cái cọc tri kiến để các thứ khác có thể bám vào. Vì liên tục trôi chảy mà sạch sẽ, trong sáng, và rỗng lặng.
Giữa lý thuyết và thực chứng chỉ có 1 khoảng cách là mỗi chúng ta kéo dài sự thực hành được bao nhiêu, duy trì sự nhận biết chánh tri kiến với mỗi duyên xúc là bao nhiêu để từ đó sự thấy biết chỉ là thấy biết được bao lâu. Bạn chỉ bỏ lỡ khi bạn dừng lại, hỏi han và nâng niu. Các pháp tự có cách vận hành của nó. Việc của bạn là duy trì chánh niệm liên tục nơi 6 xúc xứ. Vậy thôi.
Tạm tạm, nhặt nhạnh trong đống thức đang trôi tuột qua ghi chép chút chút vậy. 😄
Không có lý do (why) thì sẽ k có dấu vết.
Không có khi nào (when) thì sẽ không có kết thúc.
Không có nơi đâu (where) thì sẽ ở đây.
Không có cái gì (what) thì sẽ không có vướng víu.
Không có ai đó (who, whom) thì sẽ không có ta, của ta.
Không có cái nào (which) thì sẽ không có lựa chọn.
Không có như thế nào (how) thì tại đó là pháp tự vận hành.