30 chưa phải là Tết – Chết chưa phải là hết

Sống thế nào, chết ra sao, bệnh có cần chữa, chết thuộc hay không thuộc về đâu? Một vài niệm xin mạn đàm cùng các đạo hữu.

Ý 2 câu đầu tạm hiểu, ngày 30 vẫn chưa phải là mở đầu một năm mới, chết cũng chưa phải là một sự kết thúc. Không nói tới chủ nghĩa duy vật nặng, thì gần như ai trong chúng ta cũng sẽ băn khoăn về việc chết xong thì thế nào? Chết liệu có phải là hết? Chết xong thì được lên thiên đàng hay địa ngục? Phái này thì cho rằng lên thiên đường, phái kja bảo xuống địa ngục, phái thì sẽ tới cõi giới nào đó và ra sức tu hành, làm phước, từ thiện… để được rơi vào một cõi mà họ theo đuổi. Có phái thì lại ra sức tu để chết không đi về đâu cả, hay gọi là giải thoát, vô tác và họ càng làm ít việc ở đời càng tốt, càng bớt dính mắc, ràng buộc, tạo tác ở đời càng tốt. Nhưng có phải cả hai đều đang đi vào cực đoan Có hoặc Không?

Đến đây, tôi lại nhớ về việc người ta nói về việc sống của loài người hiện nay đa phần sống mà như đã chết. Ý là, con người sống trong sự vô minh, bị các tham ái, dục lạc thế gian che mờ, sống vọng tưởng, phóng dật về tương lai, truy cầu về quá khứ nên không biết sự thực của thực tại thế gian này, cũng như không biết sống trọn vẹn trong giây phút này để tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Đến đây, những người tu giải thoát cũng cho rằng, thế giới này đâu có thật, ta đâu có dính mắc, ràng buộc với thế giới, nên đẹp hay không đẹp cũng vậy thôi. Ta đến thế gian này là cõi tạm, và đời người đến giây phút chết với phương pháp tu hành của ta chắc rằng ta sẽ được giải thoát. Còn những con người còn mê đắm với cuộc sống, thế gian kia sẽ lại bước trở lại trở vô qua luân hồi sinh tử. Và, sau cái chết, đã có cực đoan: cõi hay không cõi, trong khi sống cũng lại mang cực đoan: tận hưởng hay không tận hưởng.

🤣
🤣

Hôm nay, tôi vô tình thấy một bà xách một con gà đã được vặt lông sạch sẽ. Tự dưng trong kho chứa vô minh lại nổi lên: ăn thịt quả là sát sinh, kiếp trước con gà là gì, kiếp sau con gà là gì, ai tu thế nào để sau làm gà, mình tu thế này sau có làm gà không? Và rồi, tôi lại nhớ tới lời thầy tôi: sanh y dù có như 1 giọt nước rơi xuống cái chảo đỏ rực, rồi bốc hơi rất nhanh thì vẫn còn sanh y. Là một người ăn chay, mà lúc nào cũng chỉ nghĩ tới, làm vậy mà sát sinh, làm vậy mà tái sinh…tôi thấy giống bài học bên Luật hấp dẫn của Mỹ quá, và bật cưòi: vũ trụ chỉ ghi nhận từ Sát sinh và Tái sinh thôi.

Quay trở lại với chủ đề Sống hay là Chết.

Khi sống, bạn hiểu thế giới này do 6 căn tiếp xúc với 6 trần này mà sinh ra các cảm thọ. Tâm biết trực tiếp ghi nhận các cảm thọ. Tâm biết trực tiếp tương tác với thông tin trong kho chứa vô minh đưa tới tâm biết gián tiếp và hệ quả là phát sinh các tâm hành mà dẫn tới các ăn, nói, hành động… của chúng ta (tóm tắt vậy, sẽ có bài kĩ hơn). Vì thế giới này là cảm thọ nên chúng vô thường, vô ngã, vô chủ, vô sở hữu, không mời mà đến, không đuổi mà đi. Vì thế giới này là cảm thọ nên chúng có khổ, có lạc, có bất khổ bất lạc. Trong cái lạc đó có chứa vị ngọt nhưng vì là đặc tính của cảm thọ nên chúng có chứa sự vô thường, sự nguy hiểm, sự xuất ly (sinh diệt). Con người vì say đắm lạc thọ, đam mê lạc thọ mà bỏ qua các đặc tính của nó, mà tìm cầu, mà phi như lý tác ý. Chúng ta hiểu được sự thật này thì chúng ta sẽ bình thản sống. Đẹp biết đẹp, xấu biết xấu, hay biết hay, dở biết dở… Nhưng tất cả chỉ là cảm thọ ở nơi tâm ta, hay là các thông tin sắc và danh ở thế giới này. Không vì thế mà ta chán ghét, không vì thế mà ta si mê. Cũng không vì thế khiến ta muốn phải ở lại, hay vì thế cần phải ra đi. Nên không tồn tại khái niệm đang sống hay chết nơi tâm ta nữa.

Có một thắc mắc, sống hay chết không quan trọng, vậy thì nếu bị bệnh hiểm nghèo thì sao? Cứ kệ cho chết luôn phải không? Vì lúc này sống cũng thế, chết cũng thế. Nếu nghĩ như vậy, thì thật là mới chỉ được một phần của bề nổi. Bạn lại rơi vào cực đoan ban đầu, ta đã không màng sống chết, tức là ta sẽ được giải thoát, hay là ta không bị tái sinh nữa. Hai từ giải thoát và không tái sinh này có khác gì nhau đâu. Bạn vẫn còn nghĩ tới sự tái sinh, sự hiện hữu sẽ là cái gì sau cái chết (có thân, vô thân, hay thậm chí vô vô thân). Nó rất vi tế len lỏi đằng sau cái các tâm thức của bạn.

Vậy bạn sẽ ứng xử thế nào?

Tôi lại kể ra đây một câu chuyện của tôi. Tôi có số làm sếp. Vì vậy mà ở đâu tôi cũng bị làm sếp. Không biết người khác thế nào, nhưng tôi chán ghét việc làm sếp kinh khủng. Dù ai đó nói tôi tài, tôi giỏi thì tôi cũng thấy mệt mỏi vô cùng. Thêm nữa, tôi đi học đạo, nói rằng càng ít ràng buộc, dính mắc càng tốt. Vì vậy, tôi càng ghét làm sếp, vì tôi phải làm bao nhiêu thứ liền, giải quyết bao nhiêu việc, trách nhiệm rõ nhiều. Tôi phát điên lên vì việc này. Chỉ muốn cắt chức giám đốc để đi tu. Nhưng rồi, khi tôi nhận ra: tôi không thể vượt qua được việc này, thì bài học này sẽ còn cứ lặp đi lặp lại ở các kiếp sống của tôi. (Các kiếp sống khác tôi đều làm tướng). Tôi không chối bỏ mình nữa, tôi chấp nhận việc tôi có khả năng và được giao trách nhiệm này. Tôi cần học cách vừa làm sếp vừa tu học. Tôi cần học cách không bị ràng buộc, vướng mắc vào hoàn cảnh tôi đang có. Tôi biết ơn cuộc đời đã cho tôi một cơ hội để nhìn rõ con đường mình đi, những nhân duyên nào đưa tôi đến việc tôi vẫn là sếp và điều gì sẽ chờ tôi khi tôi đi qua những bài học này.

Tôi nghĩ bạn đã nhận được câu trả lời cho việc bạn cần đối diện với việc mình bị bệnh như thế nào. Nếu bạn vừa ngồi thiền, vừa rung đùi, thế là mình ốm nặng rồi, mình sắp chết rồi, mình sắp được giải thoát rồi, thì thật sự là một cái chết ngu ngốc, lãng xẹt, chẳng khác mấy đứa tự tử – thay vì tự tử chết ngay thì bạn đang chết dần dần. Cái căn bệnh và cái chết này không đem lại cho bạn bài học gì cả, bạn không học được điều gì từ chúng. Và với ý nghĩ giải thoát (không tái sinh) thì bạn vẫn tái sinh như thường. Thậm chí vì bạn chối bỏ thân thể này, chối bỏ những gì đã làm nên bạn của ngày hôm nay, nên lần sau bạn trở lại, không những vẫn xấu xí thế mà còn xấu xí, méo mó hơn. Tôi không độc mồm độc miệng, mà đó là sự thật. Do duyên gì đã tạo nên bạn của ngày hôm nay? Do duyên gì đã tạo nên căn bệnh của bạn ngày hôm nay? Tôi không nói bạn sống ác, sống không thiện như một số tôn giáo cho là vậy. Mà sáng nay tôi bị đau bụng, tôi kiểm tra ra hóa ra tôi đã ăn đồ không được tốt mà mắt thường không phát hiện ra. Vậy những duyên đưa bạn tới đời sống này, căn bệnh này là gì? Bạn phải tự tìm câu trả lời. Sau đó, Một là bạn với sự tuệ tri của mình, sẽ sám hối hay là không lặp lại duyên đó nữa, nhổ bỏ cái nhân vô minh đó đi. Hai là cũng với sự tuệ tri của mình, bạn biết ơn cái quả này đã cho bạn có cơ hội tuệ tri về duyên trước đó. Với sự liễu tri về sự việc này, có thể giúp bạn hiểu được về trước đây và sau này của mình. Cái nhân quá khứ được diệt trừ sẽ đưa tới quả gì trong hiện tại. Cái nhân hiện tại sẽ gieo, có đưa tới việc mình đi theo con đường cần phải đi.

Tóm lại, dù là sống theo cách tận hưởng hay không tận hưởng, chết vào cõi nào hay không cõi nào cả thì cũng đều đang rơi vào các cực đoan. Việc của bạn là không chối bỏ chính mình. Thừa nhận cả những điều tốt, lẫn không tốt ở mình (như cây lúa cần có cả ánh sáng, nắng gió, …phân, sâu, ong bướm..vậy) qua đó tìm ra bài học, tìm ra duyên gì đưa mình đến như ngày hôm nay, tìm ra duyên gì sẽ đưa mình tới ngày mai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website